Cây ca cao khẳng định giá trị ở Đắk Nông
Cây ca cao tại Đắk Nông đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân và tạo nên những sản phẩm OCOP có giá trị cao.
Gia đình bà Bạch Thị Hoa, ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có 1,3ha ca cao. Bà Hoa đã gắn bó với cây ca cao hơn 15 năm qua.
Với nhiều năm kinh nghiệm, bà nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, bón phân, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh cho ca cao. Chính vì thế, hiệu quả kinh tế mà cây ca cao mang lại cho gia đình bà ngày càng cao.
Bà Hoa cho biết, năm nay, với giá thu mua cao, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn ca cao, tăng hơn 50% so với năm ngoái.
Những ngày đầu năm 2025, giá ca cao liên tục tăng mạnh, đạt mức hơn 20.000 đồng/kg quả tươi và gần 200.000 - 220.000 đồng/kg hạt khô. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua, khiến người trồng ca cao thêm phấn khởi.
Đắk Nông có khoảng 400ha ca cao, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song. Cây ca cao được trồng chuyên canh hoặc xen canh với các loại cây khác. Năng suất trung bình đạt 2,5 - 3 tấn/ha.
Dù diện tích ca cao tại Đắk Nông không lớn nhưng được sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu để các HTX, doanh nghiệp chế biến tạo nên những sản phẩm đặc trưng cho địa phương.
Nổi bật là HTX Nông nghiệp Krông Nô, từ vùng nguyên liệu ca cao tập trung với hơn 140ha, HTX đã đầu tư máy móc chế biến và tạo ra 2 sản phẩm chocolate và bột ca cao Duy Nghĩa. Cả 2 sản phẩm đều đạt OCOP hạng 3 sao.
Trên cơ sở sẵn có vùng nguyên liệu hơn 120ha ca cao tại huyện Đắk Mil, Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông, đầu tư máy móc chế biến và tạo ra sản phẩm bột ca cao Hương Quê Đắk Nông đạt OCOP 4 sao và kẹo chocolate Hương Quê Đắk Nông đạt OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông cho biết, xây dựng cơ sở chế biến ngay tại vùng nguyên liệu ca cao giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm.
Điểm thuận lợi là các cơ sở chế biến tại vùng nguyên liệu có thể dễ dàng thu mua và xử lý ca cao ngay khi vừa thu hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc chế biến các sản phẩm cao cấp như bột ca cao và chocolate.
Cùng với đó, tại vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến có thể tận dụng toàn bộ sản phẩm thu hoạch được, kể cả những phần phụ phẩm như vỏ ca cao để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học. Điều này góp phần giảm lãng phí và tối ưu hóa giá trị kinh tế của cây ca cao.
Ông Quý chia sẻ thêm, việc xây dựng cơ sở chế biến tại vùng nguyên liệu khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, mối liên kết giữa cơ sở chế biến và nông dân sản xuất ca cao giúp xây dựng chuỗi giá trị khép kín, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên.
Việc chế biến tại vùng nguyên liệu giúp các sản phẩm ca cao có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn. Sản phẩm chế biến từ ca cao tại Đắk Nông nhờ vậy có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát triển vùng nguyên liệu ca cao gắn với các cơ sở chế biến giúp tạo việc làm cho người dân địa phương. Nông dân có thêm nguồn thu từ việc tham gia các hoạt động chế biến, đóng gói, phân phối sản phẩm ca cao.
Lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết, ca cao tại Đắk Nông đang mang lại giá trị kinh tế cao và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương.
Cây trồng này không chỉ là nguồn thu nhập ổn định cho nông dân mà còn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Đắk Nông trên thị trường trong và ngoài nước.