Cây ăn trái là một trong những loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh Đắk Nông. Với lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm gần đây, diện tích cây ăn trái phát triển nhanh, trong đó có nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Trồng mít Thái mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đắk Lao (Đắk Mil) |
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 12.000 ha cây ăn trái các loại, tập trung đều tại các huyện, thành phố. Trong đó, sầu riêng là 2.837 ha, sản lượng khoảng 12.938 tấn; xoài 1.281 ha, sản lượng 5.990 tấn; bơ khoảng 5.000 ha, sản lượng khoảng 10.350 tấn…
Diện tích tăng
Ông Nguyễn Thanh Xuân, ở thôn 4, xã Đắk R’la (Đắk Mil), có 3 ha trồng cây ăn trái. Trong đó, ông trồng 1.800 cây mít Thái, 300 cây sầu riêng, 120 cây vú sữa Hoàng Kim… Những năm gần đây, giá mít bán tại vườn tương đối ổn định. Thương lái đến tận vườn thu mua, nên việc chăm sóc, thu hoạch sản phẩm của gia đình khá thuận lợi.
Theo ông Xuân, những năm trước, do mít có giá tầm 40.000 đồng/kg, nên cho thu nhập tương đối cao. Thế nhưng, hiện nay, giá mít chỉ còn 15.000 đồng/kg, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng khá nhiều.
Cũng theo ông Xuân, cây mít Thái cho thu hoạch gần như quanh năm. Nếu mức giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, người trồng mít vẫn có thu nhập ổn định, thậm chí cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, mít Thái là cây ăn trái mới được người dân lựa chọn trồng đại trà những năm gần đây. Cây mít Thái thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, được người dân ưa thích. Do đó, diện tích mít Thái trên địa bàn tỉnh đang ngày càng gia tăng.
Đối với cây sầu riêng, bơ hiện đang được các hộ nông dân xem là cây ăn trái có ưu thế hàng đầu. Gia đình ông Trần Văn Tuấn, ở thôn 11, xã Đắk Lao (Đắk Mil), có 2 ha đất rẫy. Những năm trước, ông Tuấn chỉ tập trung phát triển cà phê. Từ năm 2013, ông bắt đầu trồng xen bơ vào vườn cà phê. Ông Tuấn cho hay: “Mấy năm nay, nguồn thu chính của gia đình tôi là từ bơ. Còn tiền thu từ cà phê chỉ đủ để đầu tư cho chi phí sản xuất. Nếu không có cây bơ, gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, trung bình một ha cà phê sau khi trừ chi phí thu được khoảng 40 triệu đồng. Nếu trồng xen thêm bơ, mức thu nhập sẽ tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn nếu chăm sóc tốt. Việc trồng cà phê, hồ tiêu gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nếu trồng thêm cây ăn trái, bà con sẽ cải thiện được thu nhập, giảm thiểu rủi ro.
"Đầu ra" chưa ổn định
Hiện nay, sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ thị trường nội tỉnh và một số tỉnh trong nước. Các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa rõ ràng, chưa bền vững. Mặt khác, trái cây là sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn, thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Vì thế, người dân luôn đối mặt với nỗi lo "đầu ra" khi đến mùa thu hoạch trái cây.
Thực tế cho thấy, hai năm trở lại đây, giá bơ thường bị rớt giá. Giá bơ booth tại các nhà vườn hiện nay chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg. Trong khi trước đó 2 năm, bơ booth có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân bơ rớt giá là do diện tích bơ tăng vọt, khiến cung vượt cầu. Cụ thể, diện tích bơ năm 2016 chỉ 827 ha, sản lượng khoảng 2.333 tấn. Đến năm 2020, diện tích đã tăng lên 2.427 ha, sản lượng đạt khoảng 10.333 tấn.
Để "đầu ra" sản phẩm cây ăn trái được thuận lợi, theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, trong những năm qua, tỉnh luôn khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Tỉnh cũng chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để phát triển vùng trái cây nguyên liệu theo quy hoạch, ổn định sản lượng và bảo đảm chất lượng nguyên liệu cho chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tuy nhiên, những nỗ lực của các cấp, ngành đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Do vậy, việc tìm "đầu ra" cho sản phẩm vẫn là nỗi lo canh cánh của người dân trồng cây ăn trái.