Kinh tế

"Cầu nối" giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với người dân Đắk Mil

Nguyễn Lương 22/07/2024 - 15:33

Các điểm giao dịch lưu động cấp xã tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã phát huy hiệu quả. Đây là "cầu nối" giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với người dân. Thông qua đó, người dân được giải ngân vốn vay kịp thời.

ADQuảng cáo

Tạo thuận tiện cho người dân

Cứ vào ngày mùng 10 hàng tháng, bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil có lịch giao dịch với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện.

img_6344-1-.jpg
NHCSXH huyện Đắk Mil giao dịch với người dân xã Thuận An

Tại đây, bà Nga tiến hành nộp lãi, nộp tiền gửi tiết kiệm của các thành viên trong tổ. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn, bà trình bày trực tiếp với cán bộ ngân hàng.

Theo bà Nga, tổ TK&VV do bà phụ trách có 41 thành viên. Số tiền lãi, nộp tiết kiệm mỗi tháng của các tổ viên khá nhiều. Việc phải cầm tiền mặt ra ngân hàng nộp, nhiều lúc mất an toàn. Tuy nhiên, thuận lợi nhất vẫn là điểm giao dịch xã gần nhà nên bà khá yên tâm. “Từ nhà ra điểm giao dịch không xa. Điều này tạo thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho chúng tôi rất lớn”, bà Nga chia sẻ.

img_6425(1).jpg
Người dân xã Thuận An được vay vốn từ NHCSXH huyện để phát triển sản xuất

Ngoài các tổ trưởng tổ TK&VV đi nộp lãi, tiền tiết kiệm, tại điểm giao dịch, người dân được vay vốn đều đến nhận tiền ngân hàng giải ngân. Ngồi cách đó không xa, ông Lê Việt Nhân cũng đợi đến lượt để nhận 80 triệu đồng tiền vay theo chương trình cho vay hộ nghèo. Theo ông Nhân, mọi hồ sơ, thủ tục đều được tổ TK&VV hướng dẫn. Đến ngày giao dịch, gia đình ông được tổ thông báo ra điểm giao dịch nhận tiền vay.

“Tất cả các thủ tục vay được tổ TK&VV giải quyết. Đến ngày giao dịch, chúng tôi lên ký để nhận tiền về. Thời gian, địa điểm gần nhà, giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại. Nguồn vốn giải ngân kịp thời đã giúp gia đình tôi có kinh phí đầu tư vào hoạt động sản xuất”, ông Nhân chia sẻ.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Toàn huyện Đắk Mil có 10 điểm giao dịch cấp xã, thị trấn. Các điểm này phục vụ nhu cầu giao dịch cho 247 tổ TK&VV ở 125 thôn, bon, buôn, tổ dân phố. Để nâng cao hoạt động các điểm giao dịch, hàng năm, phòng giao dịch không ngừng nâng cao chất lượng.

img_9150.cr2-1-.jpg
Người dân xã Đức Minh theo dõi các chương trình cho vay của NHCSXH huyện niêm yết tại UBND xã

Theo ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil, hàng tháng, các tổ giao dịch lưu động tại các điểm xã được thực hiện nghiêm túc theo đúng lịch trình, thời gian quy định (kể cả thứ 7, chủ nhật). Thời gian, chi phí đi lại của người dân được giảm thiểu, nhất là đối với những địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện.

Trước thời điểm giao dịch với người dân, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì họp giao ban có sự tham gia của Chủ tịch UBND xã. Thông qua họp giao ban, ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, NHCSXH thường xuyên trao đổi, chia sẻ công việc với nhau.

f24235899fd13a8f63c0(1).jpg
Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn

Những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc trong quá trình vay và sử dụng nguồn vốn tại cơ sở được phản ánh kịp thời. Đối với những cách làm hay, mô hình sử dụng vốn hiệu quả đều được các tổ TK&VV, tổ chức hội, đoàn thể chia sẻ. Từ đây, NHCSXH huyện từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở.

Toàn huyện Đắk Mil có hơn 11.000 hộ dân được vay vốn, với dư nợ 553 tỷ đồng. Trong đó, nhiều chương trình cho vay cao như: Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 131 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 102 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 123 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cầu nối" giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với người dân Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO