Đất và người Đắk Nông

"Cậu bé không chân" Điểu Khuy Ních vượt lên nghịch cảnh

Thanh Hằng 07/10/2023 06:11

Điểu Khuy Ních đã là học sinh lớp 5. Hàng ngày, cậu vẫn đến trường bằng đôi tay của mình. Khác với tâm lý mặc cảm, khép mình của 3 năm trước, Ních đã mạnh dạn hơn rất nhiều.

cover.jpg

Điểu Khuy Ních đã là học sinh lớp 5. Hàng ngày, cậu vẫn đến trường bằng đôi tay của mình. Khác với tâm lý mặc cảm, khép mình của 3 năm trước, Ních đã mạnh dạn hơn rất nhiều.

...

tit-phu-1.jpg

Điểu Khuy Ních là con thứ 5 của bà Thị Xuân (dân tộc M'nông) ở bon Bù Đách, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Sự ra đời của cậu bé đã từng được bác sĩ cảnh báo trước. Bởi ngày ấy, bà Xuân đi khám, bác sĩ phát hiện những bất thường khi bào thai bước sang tháng thứ 6.

Nếu cháu sinh ra đời, không chỉ chị khổ mà cuộc đời cháu sẽ khổ. Anh chị nên suy nghĩ kỹ!”, lời bác sĩ cứ văng vẳng bên tai của bà Thị Xuân khi nhắc về quãng thời gian khó khăn nhất của đời mình.

Suy đi nghĩ lại, không nhẫn tâm bỏ đi máu mủ của mình, vợ chồng bà Xuân vẫn giữ lại bào thai ấy. Đến giữa năm 2013, Điểu Khuy Ních chào đời trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Lúc nhìn thấy con, điều bà nghĩ đến đầu tiên là gì ?”, tôi gặng hỏi.

Tôi chết lặng, không tin vào mắt mình. Những đứa trẻ khác đều có hình hài đầy đủ, vậy mà con tôi chỉ nhỏ như một cục thịt và thiếu mất đôi chân”, bà Xuân nhớ lại.

Giọng người phụ nữ bỗng nức nở: “Hai vợ chồng chỉ biết ôm mặt khóc. Tôi thương con quá, nó nhỏ mà phải chịu bất hạnh”.

Tiếp lời mẹ, chị Thị Nguyên, chị gái của Điểu Khuy Ních kể, đã có thời gian, những người trong bon cho rằng, bất hạnh của Ních là sự trừng phạt của ông trời.

Thời gian dài sau ngày Ních chào đời, gia đình chị Nguyên sống trong ánh mắt hiếu kỳ của nhiều người. Có những người cảm thông, họ tìm đến để động viên gia đình vượt lên khó khăn. Thế nhưng cũng có người ít qua lại, vì một điều đơn giản, họ sợ khi nhìn thấy Điểu Khuy Ních.

Ngày mẹ sinh em, Ních nhỏ lắm. Cả người thằng bé gói trọn trong bộ đồ sơ sinh, nhưng nhìn kỹ thì chỉ có đầu và nửa phần thân trên. Bế em trên tay, tôi không thể tưởng tượng được tương lai của nó sẽ thế nào”, chị Thị Nguyên kể.

Ních lớn lên trong cuộc sống khó khăn nhưng bù lại, cậu bé được bố mẹ và 4 anh chị dành hết sự yêu thương.

Vượt lên nghịch cảnh, những khiếm khuyết trên cơ thể lại được Ních đón nhận bằng thái độ lạc quan. Và từ đó, ánh nhìn của dân làng đối với cậu cũng dần được thay đổi.

Khi lớn lên, Ních cũng từng hỏi, chân của nó đâu rồi. Tôi chỉ ôm con vào lòng và nói, ông trời không cho con đôi chân, con hãy tập đi bằng đôi tay của mình”, bà Thị Xuân kể.

Được sự động viên của gia đình, cậu bé Điểu Khuy Ních tập đi ngay trên chiếc giường mình đang nằm. Mỗi lần ngã, cậu bé tự đứng dậy mà không cần sự giúp đỡ của người khác.

dieu-khuy-nich-2(1).jpg
Được sự ủng hộ của mọi người cùng với những nỗ lực của bản thân, Điểu Khuy Ních đã tự tin đi những bước đầu tiên trên đôi tay của mình.

Nửa năm sau, điều kỳ diệu đã đến, Ních đã đi những bước đầu tiên, khi mà đôi tay đã bắt đầu rỉ máu.

Nhìn con bước đi những bước đầu tiên, vợ chồng tôi không thể kìm được nước mắt. Tôi hiểu rằng, cuộc đời của con sẽ tốt hơn khi con đi được trên đôi tay của mình”, bà Thị Xuân nói.

tit-phu-2.jpg

Ních đi học về khi đồng hồ đã điểm 11 giờ. Cậu bé vội cởi bỏ bộ quần áo đi học để khoác lên người bộ đồ đá bóng quen thuộc.

Tiếng trẻ gọi nhau đã vang vang gần đó. Cậu bé lao như một cơn gió, ra phía trước sân để đi chơi cùng bạn.

dieu-khuy-nich-5(1).jpg
Đã có lúc, gia đình Điểu Khuy Ních phải cách xa nhau do Covid-19. Thế nhưng cũng vì thế mà Ních tự lập và biết tự chăm sóc bản thân.

Nhìn em trai đưa thân mình lướt trên những vạt cỏ dọc đường, Thị Nguyên bảo rằng: “Đã có lúc, chúng tôi tưởng chừng sẽ không còn cơ hội để ở bên nhau !”.

Theo chị Nguyên, tháng 9/2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả gia đình chị đều mắc bệnh. Ních theo mẹ và chị vào bệnh viện, nhưng được sắp xếp ở một phòng riêng. Bà Thị Xuân và chị Thị Nguyên bị nặng nhất nên phải điều trị đặc biệt.

Tôi và mẹ thở máy, được điều trị trong một phòng riêng. Lúc tỉnh lúc mê, nhưng lúc nào đầu óc minh mẫn, mẹ đều hỏi Ních thế nào rồi. Dù bệnh nặng, nhưng điều mà chúng tôi lo nhất vẫn là Điểu Khuy Ních”, chị Nguyên kể.

dieu-khuy-nich-1(1).jpg
Cuộc sống của cậu bé không tay ít nhiều thay đổi, khi Ních đã biết tự lập, tự lo cho bản thân mình.

Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khoẻ của bà Xuân dần phục hồi. Bước ra khỏi giường bệnh, bà mong muốn nhất là được gặp Ních.

Ngày ấy, dù chỉ được phép đứng từ xa nói chuyện, thế nhưng khi nhìn thấy con trai bình an vô sự, bà Xuân hạnh phúc không nói lên lời.

Quãng thời gian đi cách ly điều trị bệnh có lẽ là thời gian khó khăn nhất của gia đình tôi. Mỗi người một nơi, nhưng ai cũng lo lắng cho cuộc sống của Ních. Lần đầu tiên em ấy xa nhà, lần đầu tiên Ních tự phải chăm sóc bản thân mà không có bàn tay của mẹ”, chị Nguyên kể lại.

May mắn, sau trận đại dịch, cả gia đình Điểu Khuy Ních đều có cơ hội trở về. Cuộc sống của cậu bé không tay ít nhiều thay đổi, khi Ních đã biết tự lập, tự lo cho bản thân mình.

tit-phu-3.jpg

Câu chuyện về nghị lực của Điểu Khuy Ních sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến nhân vật truyền cảm hứng Nick Vujicic- người đàn ông không chân tại Úc.

Không thể dùng chân đá bóng, Ních dùng toàn bộ cơ thể mình để đỡ bóng. Thậm chí, có lúc cậu bé đưa cả thân mình lao về phía trước, cản phá sự tấn công của đội bạn.

Ních kể: “Hàng ngày sau giờ học, em vẫn tham gia chơi bóng cùng các bạn trong bon. Tham gia đội bóng, em thích nhất là vị trí thủ môn, bởi lúc đó em có thể tự tin chơi bóng bằng tay”.

Trong câu chuyện của mình, Ních cho biết, cậu luôn cảm thấy biết ơn khi được đến với thế giới này. Dù không lành lặn như những đứa trẻ khác, nhưng Ních vẫn được mọi người đón nhận và giúp đỡ.

Ở trên trường, thầy cô và bạn bè giúp đỡ em rất nhiều. Mỗi giờ ra chơi, các bạn lại thay nhau cõng em ra sân trường hoặc đi vệ sinh. Không ai xa lánh em cả”, Ních nói thêm.

hinh-do-hoa-2.jpg

Hiểu được cuộc sống của mình sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước, Ních luôn cố gắng vươn lên trong học tập. 5 năm đến trường, Điểu Khuy Ních luôn là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt khó. Cậu bé ước mơ, không chỉ tự lo được cho bản thân mà sẽ có một công việc để có nuôi mẹ.

Em ước mơ được làm một lập trình viên máy tính. Sau này đi làm, em sẽ có tiền nuôi mẹ”, Ních cười bẽn lẽn, nói về những dự định trong tương lai của mình.

Cô Lê Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Quảng Tín cho biết, trong thời gian qua, chính quyền địa phương và nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi để Ních yên tâm đến trường.

Đặc biệt, câu chuyện vượt khó đến trường của Ních đã nhận được sự cảm phục của rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhiều người đã dành cho Ních món quà ý nghĩa, tiếp thêm động lực cậu học trò không chân này.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        "Cậu bé không chân" Điểu Khuy Ních vượt lên nghịch cảnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO