Pháp luật

Cấp xã ở Đắk Nông quản lý rừng chưa tốt

Lê Phước 25/11/2024 07:00

Rừng do UBND cấp xã tại Đắk Nông quản lý, bảo vệ đang gia tăng về số vụ và diện tích bị phá.

Tiểu khu 1768, thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong là một trong những điểm phức tạp về tình hình phá rừng. Từ đầu năm 2024 tới nay, khu vực này đã xảy ra một số vụ việc phá rừng trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện.

anh 1 rung dakplao
Tiểu khu 1768, xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong là điểm phức tạp về tình hình phá rừng

Cách đó không xa, khu vực Tiểu khu 1754, thuộc địa bàn xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong quản lý phức tạp không kém. Rừng nằm manh mún với đất người dân lấn chiếm từ trước nên có nguy cơ bị kẻ gian chặt phá hàng ngày.

Phần lớn các vụ việc phá rừng tại 2 tiểu khu trên được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý là do đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện. Đáng lưu ý là có vụ việc phá rừng đông người, có tổ chức nhằm mục đích lấn chiếm đất.

Không riêng gì xã Đắk R’măng và Đắk Plao, tình trạng vi phạm trong lâm phần thuộc quản lý của UBND các xã tại huyện Đắk Glong thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Nổi cộm là tại một số xã như: Đắk R’măng, Quảng Hòa, Đắk Plao, Quảng Sơn…

anh 2 hien trang
Một vạt rừng tại tiểu khu 1754, thuộc quản lý của UBND xã Đắk Plao bị chặt phá tháng 8/2024

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trịnh Anh, diện tích tự nhiên của huyện 144.800ha, trong đó diện tích rừng và quy hoạch phát triển rừng gần 99.600ha (chiếm hơn 68%). Toàn huyện có tổng diện tích rừng hơn 64.500, đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 44%.

Có diện tích rừng lớn, các chủ rừng tại Đắk Glong đa dạng, từ vườn quốc gia, ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, các dự án thuê đất, UBND cấp xã…

Tại 7/7 xã của huyện đã thành lập ban lâm nghiệp, làm nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho chính quyền quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.

Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng do UBND cấp xã ở Đắk Glong quản lý phân bố rải rác, nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều diện tích nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân đã lấn, chiếm để sản xuất nông nghiệp. Điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế.

anh 3 manh mun
Rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý tại Đắk Nông nằm manh mún với đất canh tác của người dân

Trong khi đó, lực lượng tham gia bảo vệ rừng của UBND cấp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm (công an, dân quân tự vệ). Mỗi xã chỉ có 1 - 2 kiểm lâm địa bàn làm nhiệm vụ chuyên trách nên công tác tuần tra, kiểm tra rừng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền các xã đã vào cuộc nhưng ở một số nơi còn chưa quyết liệt, còn mang tính đối phó, xử lý sự vụ.

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý của chủ rừng là UBND cấp xã còn nhiều hạn chế. Rừng do UBND cấp xã ở Đắk Glong nói riêng, Đắk Nông nói chung quản lý đang trở thành khu vực báo động về việc gia tăng số vụ và diện tích bị phá.

Từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý xảy ra 49 vụ phá rừng (chiếm 29,5%), thiệt hại hơn 17ha (chiếm 44,7%). So với cùng kỳ năm 2023, rừng do UBND cấp xã quản lý bị phá tăng 108,7% về số vụ và 132,8% về diện tích.

anh 5
Công tác quản lý, bảo vệ rừng UBND cấp xã tại Đắk Nông gặp không ít khó khăn khách quan và chủ quan

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng, các lực lượng cần có sự chung tay hỗ trợ UBND cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm cần tăng cường thêm nhân lực để hỗ trợ các địa phương. UBND các huyện, thành phố cần rà soát, thành lập, duy trì các chốt quản lý bảo vệ rừng liên ngành, đặc biệt là trong mùa khô 2024 - 2025.

Thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Nông cho thấy, qua 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 166 vụ phá rừng, làm thiệt hại hơn 38ha rừng. Rừng bị phá nhiều tại một số địa bàn như Đắk Glong, Tuy Đức, Gia Nghĩa...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cấp xã ở Đắk Nông quản lý rừng chưa tốt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO