Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 với tổng công suất 11MW trên đất rừng chưa được chuyển đổi. Những sai phạm này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận mới đây.
Cấp chồng lấn lên cả đất Quốc phòng
Theo tài liệu, ngày 6/9/2007, ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ (nay đã nghỉ hưu - PV) đã ký chấp thuận chủ trương và cho phép Công ty CP Xây dựng COSEVCO 77 làm chủ đầu tư thực hiện Dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 (đóng trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Đến năm 2008, 2 dự án này được chuyển sang cho Công ty CP Thủy điện Đắk Glun làm chủ đầu tư.
Đến ngày 22/12/2009, ông Đỗ Thế Nhữ, Phó Chủ UBND tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ đã ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 có tổng công suất 11MW, với quy mô đầu tư hơn 290 tỉ đồng, tiến độ dự án từ năm 2010 đến năm 2011. Tuy nhiên, đến ngày 22/12/2010, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp giấy chứng nhận điều chỉnh Dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 với tiến độ thực hiện là từ năm 2012 - 2014.
Liên quan đến dự án này, ngày 23/7/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao 59,8ha đất cho Công ty CP Thủy điện Đắk Glun để xây dựng lòng hồ, cho thuê 148,2ha đất tại 2 xã Quảng Tâm và Đắk Ngo, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án. Tại thời điểm tỉnh Đắk Nông giao 208ha đất cho Công ty CP Thủy điện Đắk Glun thì hiện trạng có 188,99ha đất có rừng, trong đó có 25,23ha rừng tự nhiên, còn 19,01ha đất không có rừng.
Ông Phạm Cao Trí, Giám đốc Công ty CP Đắk Glun cho biét, năm 2011, công ty được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất, cho thuê đất chuyên dụng làm năng lượng. Công ty đã đóng tiền thuê đất cho UBND tỉnh Đắk Nông được 10 năm nay. “Tuy nhiên, khi thực hiện dự án phát hiện vướng mắc về quy hoạch, công ty đã nhiều lần kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 25ha đất rừng để triển khai xây dựng dự án, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận”.
Cũng theo ông Trí, quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện có 59,5/208ha đất bị chồng lấn lên đất Quốc phòng mà trước đó UBND tỉnh Đắk Nông giao cho dự án thủy điện Đắk Glun 2, 3.
“Cụ thể, ngày 1/11/2011, UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số 1632/QĐ-UBND) cho dự án thủy điện Đắk Glun 2, 3. Đến ngày 17/4/2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thu hồi 761ha đất của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Do đó, khi Công ty triển khai khởi công xây dựng công trình thủy điện vào năm 2015 thì phát hiện bị chồng lấn lên đất quốc phòng với diện tích 26ha”, ông Trí nói.
Theo văn bản (số 1727/STNMT - QHGĐ) của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, qua kiểm tra ranh giới tọa độ tuyến kênh và đập thì có 15,3ha nằm ngoài diện tích đã được UBND tỉnh cho công ty thuê đất thực hiện dự án. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Cao Trí cho biết thêm, thực sự công ty làm ngoài sổ đỏ là vì chồng lấn đất Quốc phòng, các cơ quan chức năng cho hạ cao trình từ 514m xuống còn 500m. Chính vì lẽ đó nên tuyến kênh bị dịch ra ngoài. Nhà đầu tư phải bỏ tiền ra mua hơn 15ha đất của người dân và trả lại 15ha nằm kề bên cạnh. “Như vậy, nguyên tắc Nhà nước không mất đất. Chúng tôi bỏ tiền ra mua đất của người dân và đến năm 2019 thì được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bỏ ra khỏi đất quy hoạch 3 loại rừng thì mới làm. Hiện nay, diện tích đất này chưa nhập vào sổ đỏ nhưng đã được nhập vào dự án. Nếu không chồng lấn, doanh nghiệp tội gì phải bỏ tiền mua đất làm kênh ra ngoài”, ông Trí lý giải.
Dự án thi công khi đã hết thời hạn đầu tư
Theo giấy chứng nhận đầu tư đã được điều chỉnh đến ngày 31/12/2014, hai dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 sẽ hết thời hạn đầu tư. Thế nhưng, mãi đến ngày 14/7/2015, chủ đầu tư mới khởi công xây dựng. Và từ khi thực hiện dự án cho đến nay, chủ đầu tư đã chi hơn 85 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án và xây dựng một số hạng mục đường giao thông, kênh dẫn dòng, đập chứa nước...
“Để gỡ các vướng mắc, công ty đã xin giãn tiến độ thực hiện dự án. Đến ngày 19/3/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông đã chấp thuận việc giãn tiến độ đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3. Trong đó, đến tháng 3/2022, nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do khác nhau”, ông Trí nói.
Liên quan đến dự án này, Kết luận thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh xác định dự án thủy điện Đắk Glun 2, 3 có nhiều vi phạm, sai phạm trong quá trình thực hiện các trình tự thủ tục, triển khai đầu tư. “Để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án này, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành khác”, kết luận Thanh tra Chính phủ nêu
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân liên quan đến 2 dự án. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.