Cụ thể, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân được quy định như sau:
Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
Thượng tướng, số lượng không quá 07, bao gồm:
Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 06;
Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;
Các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng, số lượng không quá 197.
Chính phủ quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng, tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng và cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ, chức danh cao hơn chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và trường hợp đặc biệt được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.
Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá trở xuống do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm đối với sĩ quan biệt phái thực hiện như đối với sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
Sĩ quan Công an nhân dân khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.