Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: Động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh.
Dự án tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ đó tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Chiều 25/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước liên quan đến các nội dung tờ trình Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông tham gia cùng đoàn.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh và đại diện các sở, ngành liên quan. Tỉnh Đắk Nông có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười và đại diện các sở, ngành chức năng.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đơn vị tư vấn thiết kế cho biết: Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 128,8km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km, qua tỉnh Bình Phước 99km và 2km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 ha, khoảng 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước quyết tâm và đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Bình Phước và Đắk Nông rất phấn khởi khi được đón đoàn công tác Quốc hội về khảo sát thực địa để triển khai dự án. Đây là niềm vui, sự mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và đông đảo cử tri Bình Phước lâu nay.
“Bình Phước là vùng phụ cận Tây Nguyên, nhưng không được hưởng các chế độ chính sách của Tây Nguyên. Tuy nhiên, Bình Phước luôn ý thức trọng trách là địa bàn phên dậu phía nam của Tổ quốc, là nơi kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Đối với dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tỉnh luôn xem là dự án trọng điểm, nếu chậm trễ trong triển khai chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế của Bình Phước trong nhiều năm tới. Với trọng trách là người đứng đầu của tỉnh trong điều hành phát triển kinh tế, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các thành viên đoàn công tác quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để dự án được thông qua, nhằm tiếp thêm sức mạnh cho Bình Phước và Đắk Nông vượt khó thành công”.Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền
Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ thiết kế 100-120km/h; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc đã quy hoạch. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5m; đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (2km) được đầu tư theo quy mô đường cấp III, nền đường rộng 12m.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 12.770 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư PPP thu xếp 12.770 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất phân chia dự án thành 5 dự án thành phần (1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành (bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) theo phương thức PPP. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền với tổng vốn đầu tư 19.612 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 338 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 951 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình liên quan) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện, với tổng số vốn đầu tư khoảng 662 tỷ đồng.
Dự án thành phần 5: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình liên quan thuộc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 3.977 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, dự án được đề xuất đầu tư từ năm 2023, thực hiện dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác yêu cầu lãnh đạo địa phương, đơn vị tư vấn, thiết kế làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung tờ trình dự án, trong đó có phương án bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Tuy nhiên, để dự án được Quốc hội thông qua, ngoài việc phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy chế làm việc, cần phải tiến hành khảo sát các quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công.
“Để dự án nhận được sự ủng hộ cao của Quốc hội, bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm của các bộ, ngành trung ương, Bình Phước và Đắk Nông, cùng các đơn vị tư vấn thiết kế cần bổ sung hoàn thiện hồ sơ đảm bảo chặt chẽ, khả thi, có tính thuyết phục cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý.