Cảnh giác với phân bón giả, kém chất lượng
Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân bón giả. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh “tiền mất, tật mang”.
Người nông dân hiện nay đang phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả. Lợi dụng sự tăng giá của thị trường phân bón trong và ngoài nước, nhiều công ty sản xuất và đại lý đã có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân DAP.
Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây ngộ độc cho cây, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường. Hậu quả của việc dùng phải phân bón giả không những tác động trực tiếp đến chất lượng, năng suất cây trồng mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với thương hiệu và ngành sản xuất phân bón.
Phân DAP (viết tắt của Diamoni phosphat) là loại phân bón phức hợp được dùng trong nông nghiệp với thành phần 18% đạm, 46% lân; tức là trong 100 kg phân DAP có chứa 18 kg (18%) đạm nguyên chất và 46 kg (46%) lân nguyên chất. DAP được sản xuất từ quặng apatit, amonia và axit.
Phân DAP là loại phân bón phức hợp, có tỷ lệ hấp thu cao, cây dễ hấp thu. Hàm lượng lân trong 1 kg DAP có giá trị bằng 2,8 kg supe lân hoặc lân nung chảy. DAP là loại phân trung tính, lân trong DAP đều tan nhanh trong nước nên cây rất dễ hấp thu. DAP được dùng để thể bón lót, bón thúc cho tất cả các đối tượng cây trồng trên tất cả các chân đất khác nhau.
DAP có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được làm nguyên liệu cho sản xuất các loại NPK từ thấp đến cao tùy theo nhu cầu từng thời điểm của cây trồng.
Vì những lợi ích như trên, nên giá thành DAP tương đối cao và nhu cầu của người nông dân rất lớn. Đây cũng là lý do khiến trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều DAP giả, nhái, kém chất lượng.
Qua thực tiễn công tác, lực lượng công an còn phát hiện hiện nay, rất nhiều đơn vị sản xuất phân bón đang sản xuất, bán các sản phẩm phân bón NP 20-20; NP 18-20, được đóng vào bao 50 kg giống như các bao phân DAP.
Trên bao bì có dòng chữ DAP 18-46 rất lớn, mới nhìn vào người tiêu dùng dễ nhầm là sản phẩm DAP được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi nhìn vào nhãn phụ rất nhỏ được may kẹp vào phía miệng bao, hoặc in trực tiếp trên vỏ bao thì mới biết đây không phải là sản phẩm DAP mà là sản phẩm NP 20-20 hay NP 18-20.
Trước thực trạng trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân cần biết cách phân biệt phân bón thật, giả. Đối với phân bón DAP nhập khẩu nguyên bao trên bao chỉ có chữ viết tiếng nước ngoài, có 1 tem phụ tiếng Việt. Bà con nông dân có thể nhận biết bằng cách nhìn vào tem phụ màu trắng bằng tiếng Việt, có ghi thông tin đầy đủ tên sản phẩm, công ty sản xuất, công ty phân phối tại Việt Nam, mã số phân bón lưu hành, thành phần đăng ký chính: đạm 18%, lân 46%.
Với sản phẩm DAP trong nước thì các Công ty sản xuất sẽ in trực tiếp trên bao bì với các thông tin giống như trên.
Đối với phân NP đóng vào bao DAP, các đơn vị sẽ vẫn sử dụng bao có chữ DAP 18-46 rất lớn. Khi nhìn vào bao sẽ có chữ “thành phần nguyên liệu” là 18% đạm, 46% lân. Bà con nông dân hãy tìm tem nhãn nhỏ hoặc một góc nào đấy trên bao bì ghi là “thành phần đăng ký” là 20% đạm, 20% lân thì đó là phân NP không phải DAP. Khi phát hiện những bao bì như trên hãy thông báo cho cơ quan công an gần nhất.