Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra những cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới xuất hiện như giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh hay ứng dụng bảo mật giả mạo.
Thời gian gần đây xuất hiện một số hình thức lừa đảo trực tuyến mới như lừa đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay giá rẻ hay giả mạo cơ quan chức năng,... Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã lên tiếng cảnh báo người dùng cẩn trọng trước các hình thức lừa đảo mới.
Các thông tin về an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến sẽ được cập nhật hàng ngày/hàng tuần trên kênh thông tin Cổng không gian mạng Quốc gia https://khonggianmang.vn/
Với việc nhu cầu đi du lịch ngày một tăng cao, trên không gian mạng xuất hiện nhiều đối tượng giả danh là những nhân viên làm việc tại các khách sạn, homestay, resort,... mời chào dụ dỗ nạn nhân đặt phòng rồi sau đó chiếm đoạt tiền cọc.
Được biết, đối tượng đã truy cập Fanpage “Review Cô Tô tất tần tật” trên Facebook, tìm kiếm nạn nhân có nhu cầu mua vé và đặt phòng khách sạn. Khi có người đăng bài, đối tượng chủ động liên hệ, giới thiệu về phòng khách sạn và các dịch vụ mà mình cung cấp.
Theo cơ quan Công An tỉnh Quảng Ninh, đối tượng đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn thông qua các nền tảng mạng xã hội. Kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc đối với những khách sạn, nhà nghỉ ít được nhiều người biết đến.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời ứng phó và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Mới đây, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin về việc có một số đối tượng lợi dụng danh tiếng của trường để thực hiện hành vi giả mạo, đăng tin đăng ký vào ký túc xá trái phép trên các nền tảng mạng xã hội.
Các đối tượng tự nhận là cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội, tạo lập nhóm Facebook có tên "Đại học Y Hà Nội - HMU" để tiếp cận các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, sau đó tư vấn và dụ dỗ các bạn chuyển tiền để được đăng ký chỗ ở ký túc xá sớm.
Lợi dụng nhu cầu đăng ký ký túc xá của sinh viên, thông qua các bài đăng thắc mắc, các đối tượng chủ động liên hệ và tiếp cận, tư vấn nhiệt tình cũng như đưa ra các khoản tiền phải đóng nếu thí sinh muốn có chỗ ở sớm. Khi nhận thấy thí sinh chần chừ trong việc chuyển tiền, các đối tượng liên tục thúc giục với lý do “trường đã họp chốt điểm chuẩn, chỉ chờ ngày công bố” hoặc “nhà trường họp chốt số lượng người ở ký túc xá trong chiều nay” yêu cầu gửi thông tin và chuyển tiền ngay lập tức, hứa hẹn nếu thí sinh không đỗ sẽ hoàn lại tiền.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo học sinh, sinh viên đề cao cảnh giác khi tìm kiếm các thông tin liên quan tới trường đại học trên các trang mạng xã hội. Khi giao tiếp cần xác minh kỹ thông tin đối tượng, hạn chế chia sẻ thông tin và dữ liệu cá nhân. Tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng lạ trong bất kỳ trường hợp nào.
Khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thí sinh nên truy cập vào cổng thông tin của trường đại học, cổng thông tin điện tử cho sinh viên hoặc liên hệ trực tiếp với các cán bộ làm việc tại trường thông qua số điện thoại chính thống.
Thời gian gần đây, trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay xuất hiện nhiều đối tượng rao bán vé máy bay với giá rẻ bất ngờ, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt.
Lợi dụng tâm lý ham rẻ, một số đối tượng tạo lập các tài khoản Facebook ảo, đăng tải các bài viết rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm nhiều người tham gia. Sau khi có người liên hệ hỏi mua, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi sau đó chiếm đoạt, nhiều người dân đã bị lừa lên tới cả chục triệu đồng.
Trước thực trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi tham gia mua bán vé máy bay trên các nền tảng mạng xã hội. Xác minh kỹ thông tin của công ty, yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng Công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế Công ty trước khi thực hiện giao dịch.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về hành vi giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác nắm tình hình, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện các đối tượng giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi làm giả giấy tờ xuất cảnh đi lao động.
Ban đầu, các đối tượng lừa đảo tìm kiếm người có nhu cầu xuất cành trên các trang mạng xã hội, tiếp cận và hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục, yêu cầu gửi ảnh chân dung và căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu. Sau một khoản thời gian, các đối tượng gửi ảnh hộ chiếu giả mạo (hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa thông tin), thông báo chi phí xuất cảnh và yêu cầu nạn nhân đóng cac khoản phí vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Kẻ lừa đảo còn gửi hình ảnh chụp visa giả mạo nhằm chiếm dụng lòng tin của nạn nhân, đồng thời thông báo thời gian xuất cảnh, yêu cầu nạn nhân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết.
Sau đó, các đối tượng gửi "Văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính" giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản (số tài khoản và thông tin giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để chứng minh tài chính và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền 30 - 40 phút. Lúc này, các đối tượng mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an liên tục gọi thúc giục người dân nộp tiền hoàn thiện hồ sơ để chiếm đoạt.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi tìm kiếm dịch vụ làm giấy tờ xuất cảnh trên các trang mạng xã hội. Hiện tại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp dịch vụ qua cổng thông tin điện tử https://xuatnhapcanh.gov.vn/, các tài khoản, fanpage Facebook cung cấp dịch vụ như trên đều là giả mạo.
Tuyệt đối không cung cấp hình ảnh và thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, các tổ chức, cá nhân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều quảng cáo đến từ Google với mục đích kêu gọi, khuyến khích người dùng tải về ứng dụng Google Authenticator nhằm gia tăng bảo mật cho các thiết bị cá nhân. Thực chất, đây là chiêu trò lừa đảo, dẫn dụ nạn nhân tải về phần mềm có chứa mã độc.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập trang web với tên miền giả mạo, chèn quảng cáo có tài trợ để kết quả tìm kiếm được hiện lên ở đầu trang khi có người tra cứu thông tin. Những trang web này còn chứa đựng chứng nhận giả mạo của google, khiến cho người dùng chủ quan, dễ dàng mắc bẫy. Khi click vào các quảng cáo kể trên, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo của Google với đường dẫn "chromeweb-authenticators.com."
Khi truy cập vào trang web, ứng dụng sẽ được tự động tải từ dịch vụ lưu trữ mã nguồn mở Github và tấn công vào các thiết bị của nạn nhân, đánh cắp thông tin và dữ liệu quan trọng. Google Authenticator là ứng dụng bảo mật nhiều lớp vô cùng nổi tiếng và đáng tin cậy, điều này vô tình trở thành cơ hội thuận lợi để các đối tượng lợi dụng sự chủ quan của người dùng và thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi tra cứu và tải về các ứng dụng bảo mật. Tuyệt đối không tải về ứng dụng từ nguồn không xác định hoặc các trang web không chính thống, chỉ nên tải ứng dụng từ hệ thống cửa hàng CH Play đối với hệ điều hành Android và App Store đối với hệ điều hành IOS.
Đối với các ứng dụng chỉ có thể tải về từ bên ngoài, người dùng được khuyến cáo kiểm tra tên miền của trang web thông qua đường dẫn https://tinnhiemmang.vn hoặc https://tracuutenmien.gov.vn
Trong khoảng thời gian giải đấu ngoại hạng anh chuẩn bị khởi tranh, nhiều đối tượng lừa đảo rao bán vé trên các fanpage, nhóm chat trên các nền tảng xã hội với mức giá vô cùng rẻ, dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền rồi sau đó chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi có nhu cầu mua bán trên mạng xã hội. Cảnh giác trước những vật phẩm được rao bán với giá rẻ bất thường.
Cẩn thận xác minh kỹ thông tin của người bán, tuyệt đối không chuyển khoản tiền đặt cọc trước, chỉ nên thực hiện giao dịch trực tiếp hoặc thông qua những người trung gian uy tín. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an địa phương để kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng./.