Bệnh VDNC được ghi nhận xuất hiện ở nước ta vào tháng 10/2020. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, đến ngày 10/5/2021, cả nước đã có trên 1.660 ổ dịch bệnh VDNC, xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh VDNC là trên 44.700 con, số chết và tiêu hủy trên 5.100 con.
Bò mắc bệnh viêm da nổi cục (Ảnh tư liệu của Cục Thú y) |
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, đến nay, Đắk Nông chưa phát hiện có trâu, bò mắc bệnh VDNC. Thế nhưng, Sở Nông nghiệp - PTNT đã ban hành văn bản cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thú y cơ sở, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để phòng, ngừa loại bệnh này.
Ngành Nông nghiệp đã tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi đang hoàn thiện kế hoạch, kịch bản ứng phó, sẵn sàng các phương án như lực lượng phản ứng nhanh, vật tư, phương tiện cụ thể nếu có dịch xảy ra”, ông Dần thông tin.
Các vết sần, nổi cục xuất hiện nhiều trên da vùng đầu, cổ vật bò mắc bệnh (Ảnh tư liệu của Cục Thú y) |
Trong điều kiện chưa phát hiện bệnh, biện pháp chính được ngành Nông nghiệp Đắk Nông thực hiện là tuyên truyền cho người chăn nuôi biết về những biểu hiện của bệnh VDNC.
Cụ thể, khi mắc bệnh VDNC thì trâu, bò có những biểu hiện chính như: Sốt cao (40 - 41°C), bỏ ăn, gầy yếu, viêm mũi, viêm kết mạc, tiết nhiều nước bọt, sưng hạch bạch huyết bề mặt.
Sau đó, da vật nuôi hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da, đôi khi cả các cơ bên dưới.
Bệnh VDNC không lây sang người và không gây bệnh trên người. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
Đường lây bệnh VDNC chủ yếu qua côn trùng chích đốt như muỗi, ruồi, ve... Bệnh có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ẩm, khi côn trùng hoạt động mạnh.
Anh Huỳnh Ngọc Ánh, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) tăng lượng thức ăn cho đàn bò để phòng bệnh |
Ngành chức năng khuyến cáo, người dân cần bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Bà con phải chủ động theo dõi, giám sát thường xuyên trâu, bò để kịp thời phát hiện sớm các biểu hiện khác thường.
Khi nghi ngờ trâu, bò mắc bệnh thì báo ngay cho thú y cơ sở, không tự ý chữa trị, bán, tiêu hủy. Bà con lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, côn trùng hút máu.
Chăn nuôi thả rông hoặc thả rông một phần dễ phát sinh dịch bệnh (Ảnh chụp tại bon Sar Pa, xã Thuận An, Đắk Mil) |
Đến nay, nhiều người dân đã biết và chủ động phòng, chống bệnh VDNC cho trâu, bò. Ông Huỳnh Đức Ánh, thôn 4 xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết: Ông đã hiểu rất rõ về bệnh VDNC trên trâu, bò nên đặc biệt chú ý vệ sinh chuồng trại thường xuyên hơn, không để đọng phân, rác, gây ô nhiễm chuồng nuôi. Gia đình ông có 14 con bò nên chủ động dùng vôi bột khử trùng chuồng trại hàng tuần. Ông thường xuyên bổ sung thức ăn xanh, cám bắp nhằm tăng khả năng đề kháng tự nhiên cho đàn bò.
Đến hết quý I/2021, toàn tỉnh có đàn trâu khoảng 5.300 con, đạt 101%; đàn bò trên 31.100 con, đạt 94% so với kế hoạch năm. Trâu, bò chủ yếu được chăn nuôi theo hình thức trang trại, quy mô lớn. |
Cũng theo Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện tại nhiều địa phương, hình thức chăn nuôi trâu, bò thả rông, nhỏ lẻ còn nhiều, chuồng trại sơ sài, chưa chú ý đúng mức đến vấn đề an toàn phòng bệnh.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa, côn trùng phát sinh nhiều, dễ xảy ra dịch bệnh. Chính vì thế, từ người dân đến chính quyền, ngành chức năng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là và cần chủ động phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm chăn nuôi an toàn.