Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những cảnh báo về việc các đầu số điện thoại từ nước ngoài thường gọi hoặc nhá máy đến người dùng trong nước để lừa đảo.
Nếu người dùng điện thoại nghe máy hoặc gọi lại cho các số từ nước ngoài, có thể bị sao chép danh sách liên hệ của người nhận trong 3 giây. Nếu có chi tiết ngân hàng hoặc thẻ tín dụng trên điện thoại thì cũng bị sao chép...
Tuy nhiên, mới đây Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra thông cáo khẳng định, những cảnh báo lan truyền trên mạng xã hội như nêu trên là không chính xác.
Theo đó, tại Việt Nam, không có bất kỳ dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền, kể cả cuộc gọi từ quốc tế về Việt Nam. Ngoài ra, việc gọi lại hoặc các thao tác khác trên điện thoại di động sẽ bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại là không có cơ sở.
Ảnh minh họa |
Các cuộc từ quốc tế hoặc trong nước đều không thể xâm nhập được SIM điện thoại của người dùng. Do đó, người sử dụng điện thoại cần tỉnh táo, không tiếp tay cho các vụ lan truyền thông tin giả, đồn nhảm, gây hoang mang dư luận.
Cũng theo Cục Viễn thông, những cuộc gọi từ số điện thoại quốc tế thường rơi vào một trong hai tình huống. Thứ nhất là nháy máy nhằm lôi kéo người dùng điện thoại gọi lại để làm phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.
Ví dụ, cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông. Giá cước này đắt hơn trong nước rất nhiều.
Trường hợp thứ hai là lừa đảo theo một số tình huống như thông báo đang nợ tiền điện; chuyển phát quà từ nước ngoài; thông báo thiếu nợ; báo lỗi vi phạm giao thông; liên quan đến các vụ án đang điều tra...
Thủ đoạn của bọn chúng là nhằm đánh vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng và tìm cách hù dọa, chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Thủ đoạn này đã được Cục Viễn thông, cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Thậm chí có những trường hợp bị đối tượng xấu lừa chiếm đoạt với số tiền rất lớn.
Theo số liệu công bố từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, các nhà mạng di động đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo giúp bảo đảm an toàn, an ninh và trật tự xã hội (trong đó tháng 9/2021 đã chặn 3,5 triệu cuộc gọi giả mạo). |
Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người sử dụng điện thoại cần lưu ý một số đặc điểm nhận dạng đầu số điện thoại trong nước và quốc tế.
Cụ thể, các cuộc gọi, tin nhắn từ quốc tế sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và hai số tiếp theo không phải là 84 (mã số Việt Nam). Khi nhận được cuộc gọi từ đầu số nước ngoài cần phải cân nhắc kỹ trước khi nghe máy.
Đối với các cuộc gọi nhỡ, nhá máy, người dân không nên nhắn tin hay gọi lại. Người dân chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện… người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Người dùng điện thoại cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.
Trong trường hợp phát hiện lừa đảo, người dân cần tắt máy ngay và trình báo cho cơ quan công an để xử lý theo quy định. Với những thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tĩnh xác minh, tránh bị lợi dụng, lừa đảo tống tiền.