Cảnh giác chiêu trò lừa đảo ngân hàng trực tuyến dịp sát Tết Nguyên đán
Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, không nhấp vào các đường link...
Dịp cận Tết, các chiêu trò lừa đảo ngân hàng gia tăng với thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài khoản và tiền của người dùng. Việc nâng cao cảnh giác là cần thiết để bảo vệ tài sản.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng cao cũng kéo theo tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước thực tế này, các ngân hàng và chuyên gia an ninh mạng liên tục phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "cuỗm" tiền trong tài khoản.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền vào dịp Tết
Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều bài đăng, hội nhóm “Đổi tiền lẻ” “Đổi tiền năm mới” “Đổi tiền lì xì”... Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận tuyển cộng tác viên đăng bài để kiếm lời từ 2% đến 15%. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, trên không gian mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.
Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui,” không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.
Tham khảo giá một vài cơ sở đổi tiền mới tại Hà Nội, mệnh giá 10.000-20.000-50.000 đồng có phí đổi là khoảng từ 5%-6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí sẽ rẻ hơn. Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt” tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2%-3%.
Thực tế, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.
Theo đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Tùng Long - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm Công nghệ cao Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội. Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Cảnh báo mời chào mở thẻ tín dụng ngân hàng
Gần đây, nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo tinh vi với tình huống giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo mời chào mở thẻ tin dụng.
Đối tượng tự xưng là nhân viên của ngân hàng, chúng đọc chính xác thông tin cá nhân như họ tên, số tài khoản, căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, thậm chí cả số dư tài khoản và biến động số dư gần nhất. Điều này khiến nạn nhân tin tưởng rằng đó là nhân viên ngân hàng thật và không đề cao cảnh giác.
Lợi dụng thời điểm nạn nhân đang cần tiền gấp và thiếu sáng suốt, kẻ lừa đảo đã đưa ra lời mời hấp dẫn “mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi” như giảm giá khi mua hàng, miễn phí thường niên, hạn mức ngân hàng cao, lãi suất thấp. Nạn nhân tin tưởng, đồng ý và được yêu cầu cung cấp mã OTP để hoàn tất thủ tục.
Ngay khi mã OTP được cung cấp, tài khoản của nạn nhân lập tức bị trừ hết số tiền đang có trong tài khoản. Kẻ lừa đảo hứa sẽ trả lại số tiền đó sau khi cúp máy, nhưng thực tế chúng sẽ chặn số điện thoại và không liên lạc lại.
Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đã gửi email khuyến cáo khách hàng cần hết sức cảnh giác trước các trường hợp lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng như: thẻ giao dịch tại máy ATM hoặc POS bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ; thẻ bị mất cắp thất lạc, bị sử dụng trái phép; thẻ bị đánh cắp thông tin bởi nhân viên thu ngân tại các đơn vị chấp nhận thẻ; thẻ giao dịch tại các website hoặc ứng dụng không an toàn; cài đặt các phần mềm độc hại trên thiết bị di động có quyền truy cập và đánh cắp dữ liệu...
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng cài đặt app giả mạo ứng dụng của các cơ quan Nhà nước như app giả mạo Dịch vụ công, Cơ quan thuế, VNeID... Sau khi các ứng dụng giả mạo được cài đặt, kẻ gian sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Chưa dừng lại, kẻ gian còn mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để "xác minh"; gọi điện thông báo trúng thưởng hoặc nhận quà khuyến mãi, yêu cầu chuyển khoản phí... Đáng chú ý, nhiều khách hàng gần đây phản ánh việc nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng qua SMS hoặc các mạng xã hội như Facebook, Zalo... thông báo tài khoản "bị khóa" hoặc "có giao dịch bất thường." Nếu nhấp vào đường link trong tin nhắn và nhập thông tin đăng nhập, mã OTP, khách hàng có nguy cơ mất toàn bộ tiền trong tài khoản.
Trước tình trạng này, các ngân hàng liên tục đưa ra khuyến cáo và khẳng định ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn. Nếu nhận được các thông báo nghi ngờ, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng để xác minh.
Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai; tránh nhấp vào các đường link lạ trong tin nhắn hoặc email; sử dụng ứng dụng ngân hàng chính thức để kiểm tra tài khoản thay vì tìm kiếm qua các nguồn không đáng tin cậy; kích hoạt các tính năng bảo mật nâng cao, chẳng hạn như xác thực hai lớp.
Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) khuyến cáo người dân không tin tưởng các cuộc gọi tự xưng là ngân hàng, đặc biệt nếu họ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc mã OTP. Mã OTP là thông tin bảo mật, tuyệt đối không chia sẻ với bất kỳ ai. Nếu nghi ngờ, hãy chủ động gọi trực tiếp đến số tổng đài chính thức của ngân hàng để xác minh. Nếu phát hiện giao dịch bất thường, hãy lập tức báo cho ngân hàng và trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ.
Theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia bảo mật và nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, các đối tượng này chỉ cần nắm được số tài khoản ngân hàng của nạn nhân là có thể sử dụng nhiều thủ thuật để thực hiện việc khóa tài khoản. Cách phổ biến nhất là cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần, khiến tài khoản tự động bị khóa trên ứng dụng hoặc website ngân hàng.
Ông Ngô Minh Hiếu chia sẻ: "Những đối tượng này thường gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu khách hàng đăng nhập vào một đường link giả mạo. Các ứng dụng ngân hàng giả mạo này thường có đuôi .apk. Khi người dùng đăng nhập, họ sẽ bị chiếm quyền kiểm soát thiết bị. Kẻ gian sau đó dễ dàng lấy cắp thông tin đăng nhập, mã OTP, và thậm chí có thể chuyển tiền bằng cách sử dụng khuôn mặt của chính nạn nhân ngay trên điện thoại. Hậu quả là toàn bộ tiền trong tài khoản sẽ bị rút sạch.".