Cảnh đẹp kì vĩ bên trong hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á nằm ở Việt Nam
Hang C7 - ống dung nham dài nhất Đông Nam Á nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m. Trong ảnh là núi lửa Nâm Kar (nằm ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có độ cao 660m so với mực nước biển, đường kính 220m, miệng nhỏ, sâu khoảng 20m (Ảnh: Thanh Hải).
Núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Chóah (huyện K rông Nô, tỉnh Đắk Nông). Trong tiếng đồng bào bản địa, Nâm có nghĩa là núi, còn Blang là tên của loài hoa gạo, biểu trưng của thần linh và gắn liền với sử thi và tín ngưỡng của tộc người có lịch sử cư trú lâu đời nhất tại vùng đất này (Ảnh: Đặng Dương).
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất đã tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh, đoàn thám hiểm của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đang vào hang C7- hang động dài nhất Đông Nam Á (Ảnh: Nam Anh).
Các chuyên gia quốc tế vừa khám phá ra một nhánh hang mới thuộc hang C7 với chiều dài được xác lập chính thức là 199m (Ảnh: Nam Anh).
Cửa hang là kiểu nguyên sinh tiêu biểu, được hình thành do hiện tượng thoát khí của dòng/ống dung nham (Ảnh: Nam Anh).
Hiện nay, công tác khám phá, nghiên cứu hang động mới chỉ được tập trung vào các hang khô và có miệng lộ ra trên bề mặt đất, trong đó hang C7, C6 và C6-1 có nhiều giá trị khoa học nhất (Ảnh: Nam Anh).
Ở trần hang có phủ dung nham dày mỏng khác nhau. Tuy lớp phủ trần hang có đoạn rất dày nhưng những chấn động xảy ra khi núi lửa hoạt động cùng sự di chuyển của dòng dung nham nóng, lỏng đã làm ảnh hưởng đến cấu trúc của lớp vỏ cứng của ống dung nham (Ảnh: Nam Anh).
Lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, các nhà khoa học phát hiện di chỉ khảo cổ người tiền sử trong hang động núi lửa. Di chỉ khảo cổ này thuộc loại hình di tích cư trú, công xưởng và mộ táng có giá trị khoa học độc đáo và hiếm có trên thế giới (Ảnh: Đặng Dương).
Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện việc dựng hình ảnh đồ họa 3D cho hệ thống hang C7 (Ảnh: Nam Anh).
Với việc phát hiện thêm chiều dài hang mới, hang C7 được giới khoa học quốc tế công nhận là hang động núi lửa có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á. Trong ảnh là sơ đồ hang C7 bổ sung. (Ảnh: Ban QLCVĐC UNESCO Đắk Nông).