Hôm nay (28/6), những cây cầu và bờ kè sông Neva ở một trong những thành phố đẹp nhất thế giới sẽ trở thành sân khấu ngoài trời cho hàng trăm nghìn khán giả.
Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến “thủ đô phương Bắc” nước Nga có thể chiêm ngưỡng những màn trình diễn âm nhạc, pháo hoa sôi động, gặp gỡ nhân vật chính và biểu tượng của lễ hội - chiếc thuyền lãng mạn với những cánh buồm đỏ thắm trong câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Alexander Grin, tượng trưng cho những ước mơ và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Theo truyền thống, lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm” ở Saint Petersburg thường diễn ra vào đêm thứ bảy tuần thứ 3 hoặc thứ 4 của tháng 6, nếu sự kiện không trùng vào ngày 22/6 bởi đây là ngày tưởng nhớ và đau thương - Ngày bắt đầu Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Sự kiện thường bắt đầu tại Quảng trường Cung điện. (Ảnh: RIA Novosti) |
Hiện nay, ngày chính xác tổ chức lễ hội được quy định theo Quyết định của Chính quyền thành phố Saint Petersburg và Thống đốc sẽ ký Quyết định này khoảng một tháng trước lễ hội.
Lễ hội được tổ chức rất bài bản và hoành tráng. Lễ hội sẽ có những bản nhạc riêng, các màn bắn pháo hoa được lên kịch bản kỹ lưỡng, sử dụng các công nghệ đa phương tiện hiện đại nhất. Đặc biệt, khách mời biểu diễn tại lễ hội là những nhân vật nổi tiếng.
Truyền thống tổ chức ngày hội ra trường xuất hiện ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1961, cùng thời điểm phát hành bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Alexander Grin, trong đời sống xã hội sở tại đã có ngụ ý đề cập đến những cánh buồm đỏ thắm mà nhân vật Assol mong đợi để nói lên kỳ vọng của nhân dân Liên Xô về việc xây dựng đất nước thịnh vượng.
Theo đó, vào hồi 23 giờ ngày 28/6/1968, trên nền nhạc “Bài thánh ca về thành phố vĩ đại”, từ cầu Kirov (nay là cầu Troitskiy) một đội thuyền quân sự cỡ nhỏ cơ động dọc sông Neva hộ tống thuyền “Metalist” với những cánh buồm đỏ thắm rực rỡ trên mạn.
Vào đêm trước lễ hội, những cánh buồm đã được cố định vào thuyền và mặt bên được trang trí bằng dòng chữ “Bí mật” phát sáng. Đây chính là tên con thuyền của Arthur Grey trong câu chuyện của Alexander Grin. Khi đó, khoảng 25.000 người tập trung để theo dõi sự kiện này.
Sau đó, lễ hội lãng mạn này sẽ diễn ra trên dòng sông Neva. (Ảnh: RIA Novosti) |
Từ 1969, lễ hội lãng mạn này trên dòng sông Neva trở thành chính thức. Sau đó 1 năm, số lượng thuyền tham gia lễ hội nhiều hơn. Chiếc thuyền buồm Leningrad, hay còn gọi bằng tên “Bí mật”, sau này được đổi tên thành “Hy vọng”. Từ 1971 đến 1979, cùng với thuyền Leningrad, biểu tượng của lễ hội còn có chiếc thuyền buồm ba cột buồm Kodor, mà chúng ta có thể thấy trong một số bộ phim như “Truy tìm thuyền trưởng Grant” hay “Đảo kho báu”.
Truyền thống kỷ niệm sự kiện học sinh phổ thông bước vào tuổi trưởng thành đã bị gián đoạn vào năm 1979, và hoạt động này được “hồi sinh” 25 năm sau đó theo sáng kiến của Chính quyền Saint Petersburg, Ngân hàng Rossiya và Kênh 5. Sự hồi sinh lễ hội diễn ra vào ngày 24/6/2005.
Kể từ đó, quy mô tổ chức sự kiện đã được mở rộng đáng kể và “Cánh buồm đỏ thắm” đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật trong ngành du lịch của Chính quyền Saint Petersburg nói riêng và Liên bang Nga nói chung.
Kết thúc lễ hội sẽ là màn bắn pháo hoa sôi động. (Ảnh: RIA Novosti) |
Ngày 27/4, trên kênh Telegram của mình, Phó Thống đốc Saint Petersburg Boris Piotrovsky cho biết, lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm” năm nay sẽ được tổ chức với chủ đề trọng tâm hướng tới kỷ niệm Năm gia đình tại Liên bang Nga. Chương trình dự kiến bắt đầu tại Quảng trường Cung điện hồi 20 giờ ngày 28/6. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ chúc mừng những học sinh tốt nghiệp.
Theo thông tin của Thống đốc thành phố Alexander Beglov, học sinh tốt nghiệp từ 36 chủ thể Liên bang Nga và 16 quốc gia nước ngoài sẽ tham gia lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm” năm nay.
Đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Liên bang Nga, lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi sự kiện đánh dấu một giai đoạn trưởng thành, bắt đầu thực hiện nhiều ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sau khi chia tay tuổi học trò hồn nhiên, thơ mộng.