Các đối tượng lừa đảo thường thông qua mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, Zalo) đăng thông báo tuyển dụng lao động với mức lương cao, chủ yếu hướng đến thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định. Khi các nạn nhân đã sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, sau đó đưa đến làm việc tại các công ty do người nước ngoài làm chủ.
Tại đây, các đối tượng người nước ngoài sẽ yêu cầu nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên bán hàng cho các website mua sắm trực tuyến như: Shoppee, Lazada hay nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các nạn nhân sẽ bị các công ty bắt buộc ký hợp đồng làm việc, thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền, đánh đập, không cho ăn uống, hoặc bán nạn nhân cho các công ty khác.
Theo lời khai của các nạn nhân, khi muốn trở về Việt Nam, nạn nhân bị bắt buộc liên hệ với gia đình và đóng tiền chuộc với số tiền lớn từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng mỗi người.
Theo Công an tỉnh, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp ở các huyện Đắk R'lấp, Đắk Mil, Đắk Song là nạn nhân bị lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc.
Trước tình hình trên, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với hình thức lừa đảo mới, khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh và nên tìm đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn.
Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.