Những tai nạn thương tâm
Vào lúc 10h ngày 4/9, nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã cử 8 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện lên đường đến địa điểm tai nạn là suối Sông Lập, bon B’sêrê 1, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp).
Theo người nhà nạn nhân, tối 3/9, cháu Thạch Lâm T (SN 2018) cùng bố mẹ đi hái măng dọc con suối trên. Do mải mê với công việc, khi nhìn lại thì không thấy cháu Tùng đâu, bố mẹ cháu hốt hoảng tìm. Đến sáng hôm sau vẫn không tìm thấy nên gia đình báo cho chính quyền địa phương.
Sau 3 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy nạn nhân trên bờ suối cách khu vực triển khai cứu nạn khoảng 1 km, trong tình trạng rất hốt hoảng nhưng vẫn còn sống, không bị thương nên đã bàn giao cháu Tùng cho gia đình.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân đuối nước tại hồ Thủy điện Đắk R'tíh (Gia Nghĩa) |
Không được may mắn như cháu T, trước đó vào ngày 2/9, vào lúc 10h ngày 2/9 tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã xảy ra một vụ đuối nước khiến một bé gái 8 tuổi bị tử vong. Nạn nhân là cháu Đ.T.M.T (SN 2013) thường trú tại thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia.
Theo bố mẹ nạn nhân, sáng 2/9, trong lúc đi chơi cùng em gái qua đập tràn thuộc hồ thủy lợi bon Phai Kol Pru Đăng, không may cháu bị trượt chân xuống hồ, do hồ nước quá sâu nên bị đuối nước. Thấy chị bị đuối nước, em gái đã hô hoán, người dân tới cứu đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông nhưng đến 11h thì cháu T tử vong, không qua khỏi.
Dạy kỹ năng cho trẻ
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước, trong đó nhiều vụ nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi. Hiện nay, Tây Nguyên đang bước vào thời điểm cuối mùa mưa, mực nước trên các suối, sông, hồ ở mức cao. Vì vậy, người dân cần hết sức chú ý đến việc bảo vệ, hướng dẫn con em mình cẩn thận với tình trạng đuối nước.
Để phòng tránh đuối nước, các bậc phụ huynh, nhà trường cần chú ý đến việc dạy bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ em. Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi; hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.
Khi trẻ có kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào. Hơn thế nữa, các em cần được trang bị thêm những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước như thông báo cho mọi người xung quanh được biết; ném các vật nổi cho nạn nhân; nếu không có phao cứu sinh thì vứt gậy, dây để hỗ trợ.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham mưu và đề nghị các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa mưa bão. Cụ thể, các khu dân cư cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. |