Sau 3 tuần điều trị bỏng tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24-1, bệnh nhi L.N.A.K, 12 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An, đã dần ổn định sức khỏe sau vụ bỏng cồn. Hiện da các vùng bỏng đang phục hồi.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận cháu K trong tình trạng có vết thương trên diện rộng, ảnh hưởng đến 48% cơ thể (độ II - III). Theo lời kể từ gia đình, K có ý định làm cốm nổ từ lúa, nên lấy một thùng thiếc đổ cồn và cho lúa vào rồi đốt lên. Khi lửa gần tắt, cháu rót thêm cồn từ chai nhựa, khiến ngọn lửa bùng lên, gây thương tích nghiêm trọng ở đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và tay.
Gia đình đã kịp thời sơ cứu bằng cách dội nước lên người K và đưa đến bệnh viện gần nhà. Sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng thành phố để tiếp tục điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã hồi sức tích cực kết hợp truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau, chăm sóc vết bỏng và ghép da để hỗ trợ hồi phục.
Sau gần 3 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe của K đã dần ổn định. Những tổn thương đã được kiểm soát, làn da mới bắt đầu phục hồi.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ lưu ý: Dịp Tết, trẻ được nghỉ học, ở nhà. Phụ huynh cần chú ý an toàn cho trẻ như: Không để đồ dùng nóng, sôi (bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về), chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị… ở ngang tầm với trẻ. Nhà tắm không để xô có nước vì trẻ có thể ngã vào. Hạn chế cho trẻ ở gần các vật dụng kích thước lớn (tủ, bàn …), tránh nguy cơ có thể ngã đè trẻ. Tránh cho trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ, đồ điện, ổ điện.
Gia đình cũng cần tăng cường giáo dục trẻ về mối nguy hiểm khi chơi với lửa, tiếp cận nguồn nước nóng, điện, hóa chất. Trường hợp bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước lên chỗ vết thương cho bớt phỏng thêm, bớt đau, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.