Đời sống

Cảnh báo chiêu trò giả mạo tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đức Diệu-Phong Vũ 06/04/2023 21:20

Từ năm 2022 đến nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều người dân tại một số khu vực thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại (SMS Brandname).

ADQuảng cáo

Mặc dù báo chí và ngân hàng đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít khách hàng bấm vào đường link và bị lừa đảo vì không để ý các cảnh báo và đặc biệt là do tin nhắn giả mạo cũng nằm trong luồng tin nhắn trước đó của ngân hàng.

Ngân hàng không gửi tin nhắn nhưng vẫn có tin nhắn lấy đúng tên brandname của ngân hàng đã đăng kí với các nhà mạng thực hiện gửi tin nhắn SMS đến chủ thuê bao số điện thoại di động để lừa chủ thuê bao di động bấm vào đường link giả mạo có trong tin nhắn SMS nhằm lừa đảo lấy thông tin bảo mật ngân hàng của chủ thuê bao hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của chủ thuê bao.

Tin nhắn này thường sẽ có nội dung cảnh báo người dùng về tình trạng tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép, và để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng phải đăng nhập tài khoản vào một đường link gửi kèm, ví dụ: https://viettinbank.com.vn-vb.top, https://vpbank.com,vn-vb-top, https://scb.vn-as.life, https://msb.com.vn-sx.top.... nhằm dụ dỗ khách hàng truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng. Rất nhiều người do nhầm tưởng là tin nhắn thông báo của ngân hàng nên đã thực hiện theo, hướng đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

ADQuảng cáo

Qua công tác nghiệp vụ, Bộ Công an xác định đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, xuyên quốc gia do đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan cầm đầu cấu kết chặt chẽ với đối tượng người Việt Nam, sử dụng các thiết bị công nghệ cao được sản xuất ở nước ngoài để giả lập trạm thu, phát sóng BTS giả mạo, thu thập thông tin thuê bao di động (IMSI) và thông tin thiết bị (IMEI), từ đó thực hiện phát tán các tin nhắn mạo danh ngân hàng như trên nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển, địa điểm đặt bộ thiết bị giả lập trạm BTS, sử dụng nhiều hình thức ngụy trang để che dấu, đồng thời sử dụng các ứng dụng Telegram, Zalo để liên lạc, trao đổi sau đó xóa ngay dữ liệu. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng thực hiện phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn/1 bộ thiết bị. Qua kiểm tra, các bộ thiết bị này có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số gửi tin nhắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động này đặc biệt nguy hiểm nếu bị lợi dụng để phát tán nội dung tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây rối, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không bấm vào các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo.

khuyen2.jpg
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo chiêu trò giả mạo tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO