Google thử nghiệm chặn một số nội dung ở Canada, nhằm phản đối dự luật về tin tức trực tuyến. (Ảnh Reuters) |
Dự luật Tôn trọng các nền tảng truyền thông trực tuyến cung cấp nội dung tin tức cho người ở Canada, gọi tắt là Dự luật Tin tức trực tuyến, với mã C-18, được công bố hồi tháng 4/2022. Dự luật này được Hạ viện Canada thông qua vào tháng 12/2022 và đang được xem xét ở Thượng viện, cơ quan ít khi ngăn cản những dự luật đã được Hạ viện thông qua. Nếu C-18 được thông qua, Canada sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Australia, buộc các nền tảng công nghệ phải đàm phán với các nhà xuất bản tin tức để trả phí cho việc sử dụng nội dung tin, bài.
Mục tiêu giới lập pháp Canada đặt ra khi thông qua C-18 là tìm giải pháp để các trang tin, báo điện tử của Canada có thể thương lượng và nhận được những khoản bù đắp xứng đáng về mặt doanh thu khi tin, bài do họ sản xuất được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội như Facebook, hoặc được hiển thị trên công cụ tìm kiếm trực tuyến của Google. Hơn 450 cơ quan báo chí tại Canada đã phải ngừng hoạt động kể từ năm 2008 khi các nền tảng kỹ thuật số lên ngôi. Hàng tỷ USD doanh thu từ quảng cáo từng nuôi sống các cơ quan báo chí trên hiện chủ yếu thuộc về hai công ty Google và Meta.
Theo một thống kê của Quốc hội Canada, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2020 tại Canada khoảng 7,1 tỷ USD, hơn 80% trong số đó thuộc về Google và Meta. Nếu C-18 được thông qua và các hãng công nghệ tuân thủ nguyên tắc chia sẻ doanh thu có thể bù đắp tới 30% chi phí biên tập tin tức của một số nhà xuất bản của Canada. Khoản thu này sẽ đem lại sức sống mới cho các cơ quan báo chí, nhất là các báo giấy của Canada vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các tập đoàn công nghệ lại có những phản ứng mạnh mẽ trước dự luật C-18. Ðại diện của Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook cho biết, những bài viết kèm đường dẫn tới các trang tin và báo điện tử chỉ chiếm 3% trong tổng số nội dung chia sẻ hằng ngày của người dùng Facebook và những nội dung này cũng không mang lại nguồn doanh thu đáng kể. Facebook từng tắt tính năng chia sẻ tin tức trên mạng xã hội tại Australia nhằm phản đối quy định buộc các công ty công nghệ phải trả phí cho các nội dung tin, bài của báo chí.
Ðại diện của Google cho rằng, hãng công nghệ này đã giúp các nhà xuất bản tin tức của Canada có được hàng tỷ lượt truy cập mỗi năm một cách hoàn toàn miễn phí, qua đó giúp các hãng tin tiếp cận thêm nhiều độc giả và kiếm được lợi nhuận. Google ngày 23/2 xác nhận đã hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức ở Canada trong vòng 5 tuần, nhằm thử nghiệm nhanh các phản ứng liên quan Dự luật Tin tức trực tuyến của các nhà lập pháp Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (G.Tru-đô) cho rằng, Google “phạm sai lầm lớn” khi chặn nội dung tin tức để phản ứng lại dự luật C-18. Thủ tướng Trudeau nói rằng, ông thật sự ngạc nhiên khi Google quyết định thà ngăn cản người Canada truy cập tin tức hơn là trả tiền cho các nhà báo. Người đứng đầu Chính phủ Canada nhấn mạnh, người dân đều cho rằng các nhà báo phải được trả công xứng đáng với những gì họ đã đóng góp cho cộng đồng.
Các nhà lập pháp Canada yêu cầu đại diện của Google có mặt tại phiên điều trần trước Quốc hội để giải thích lý do của hành động hạn chế khả năng truy cập tin tức của người dùng Canada. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, động thái quá mạnh mẽ có thể phản tác dụng và khiến các công ty công nghệ hàng đầu rút khỏi thị trường Canada.