Cần xử lý nghiêm cây xăng "găm hàng"

Bình Minh| 21/09/2022 08:53

Đã trở thành chu kỳ, mỗi khi Bộ Công thương, Bộ Tài chính có động thái điều chỉnh giá thì các cửa hàng xăng dầu lại viện lý do hết hàng hoặc "găm hàng" không bán ra, sẵn sàng chịu phạt để trục lợi, bất chấp nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai gần nếu như những bất cập trong quản lý, giám sát chưa sớm được chấn chỉnh.

ADQuảng cáo

Tại Đắk Nông, những ngày đầu tháng 9/2022, trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ, hàng loạt cây xăng trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa hoặc treo biển “hết xăng”. Theo phản ánh của người dân, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức đều treo biển “hết xăng”. Một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu  không treo biển, thế nhưng khi người dân vào mua xăng thì đều nhận được thông báo “không bán hàng” hoặc chỉ bán 30.000 đồng/xe. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản. Tình trạng cây xăng treo biển “hết xăng” không chỉ xảy ra những ngày đầu tháng 9/2022 mà đã xảy ra nhiều lần trong những năm qua ở Đắk Nông. Bức xúc hơn là vào thời cao điểm của mùa khô khi mà người dân có nhu cầu lớn mua xăng dầu phục vụ bơm tưới chống hạn cho cây trồng thì các cây xăng lại thông báo hết hàng hoặc "găm hàng" không bán ra.

Ảnh minh họa

Qua thực tế cho thấy, một lý do cơ bản mà nhiều người nhìn nhận ra, đó là các cây xăng cố tình "găm hàng", chờ tăng giá hoặc một cơ chế nào đó tốt hơn để trục lợi. Tuy nhiên, một nguyên nhân phổ biến hơn, đó là các cửa hàng xăng dầu lâu nay chỉ được lấy hàng từ một đơn vị phân phối hoặc một đầu mối duy nhất nên phụ thuộc hoàn toàn vào nơi cung cấp. Quy định này có mục đích là để kiểm soát chất lượng xăng dầu. Do vậy, việc "tắc" nguồn cung hoặc "găm hàng" ở đâu thì cơ quan chức năng sẽ có thể truy tìm ra. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần thanh lọc lại hệ thống các nhà phân phối, không thể để hệ thống xăng dầu được giám sát chặt chẽ nhưng vẫn tìm mọi chiêu trò "găm hàng" trục lợi, đó là chưa nói đến tình trạng vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng triệu lít xăng dầu lậu, xăng giả được tuồn ra ngoài thị trường.

ADQuảng cáo

Ngoài trách nhiệm của các đầu mối, thì cách điều hành chính sách xăng dầu trong thời gian qua cũng có nhiều thời điểm cứng nhắc và bất cập. Thực tế, một số chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu rơi vào ngày nghỉ, lễ, gây khó khăn cho cả nhà phân phối, đại lý xăng dầu và người dân, doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa là cần có các giải pháp giám sát hoạt động của các cây xăng dầu hiệu quả hơn như ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý để nắm rõ và xử lý nhanh và nghiêm nạn "găm hàng" chờ tăng giá. Đừng để tình trạng xảy ra cây xăng dầu hết hàng, báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng mới cử người đi kiểm tra rồi dùng cây đi đo từng bồn xăng dầu để xử lý.

Thị trường xăng dầu đang trong giai đoạn nhạy cảm, giá có thể tăng lên, nguồn cung không ổn định. Vì vậy, tình trạng cửa hàng xăng dầu hết hàng hoặc cố tình "găm hàng" không bán để trục lợi cần phải được chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm, tránh tình trạng làm cho thị trường xăng dầu bất ổn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, bởi đây là mặt hàng an ninh năng lượng quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xử lý nghiêm cây xăng "găm hàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO