Cụ thể, tỷ lệ bình quân số lượt xe tải vi phạm mức bị xử phạt trên số lượt xe đã cân giảm từ 6,9% xuống còn 0,12% (giảm 57,5 lần). Tỷ lệ số lượt xe tải vi phạm bình quân/ngày giảm từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 1,5 lượt xe/ngày (giảm 117,3 lần). Mức độ vi phạm không cao, chủ yếu vi phạm vượt khối lượng toàn bộ cho phép (tổng tải trọng) ở mức trên 10 - 30%.
Kết quả thí điểm cũng cho thấy việc đưa vào sử dụng các bộ cân tự động này đã kiểm soát tự động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân.
Đặc biệt bảo đảm khách quan, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường; chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt rất thấp.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho kết thúc giai đoạn thí điểm và chuyển sang hoạt động chính thức.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/6/2023, hai bộ cân lắp đặt tại Km 78+830 chiều Hải Phòng - Hà Nội sẽ chính thức đưa vào kiểm soát tải trọng xe và xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật, còn 2 bộ cân lắp đặt tại Km 78+150 chiều Hà Nội - Hải Phòng dự kiến chính thức hoạt động từ 15/6.
Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép sửa đổi, bổ sung quy chuẩn để đưa các quy định vào quy chuẩn kỹ thuật đối với trạm cân tự động này tương tự như các trạm cân tự động đang lắp đặt tại Việt Nam.
Cục cũng đang tham mưu Bộ Giao thông vận tải về việc phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt, đưa vào sử dụng các hệ thống cân tự động trên các tuyến quốc lộ, đường bộ tại Việt Nam. Đặc biệt ưu tiên các tuyến cao tốc và các tuyến trọng điểm như QL1, đường Hồ Chí Minh...