Đời sống

Can thiệp bào thai, hướng đột phá mới của y học Việt Nam

Vũ Ngọc Tú 08/01/2024 16:30

Ngày 4/1, hai ê-kíp chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ phối hợp thực hiện một kỹ thuật ngoạn mục ở Việt Nam, can thiệp bào thai, qua đó cứu sống bào thai 32 tuần bị dị tật tim bẩm sinh nặng.

coverpng.png

Ngày 4/1, hai ê-kíp chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ phối hợp thực hiện một kỹ thuật ngoạn mục ở Việt Nam, can thiệp bào thai, qua đó cứu sống bào thai 32 tuần bị dị tật tim bẩm sinh nặng.

Đó là thai phụ D. D. Linh, 28 tuổi, mang thai lần đầu, ngụ tại Đà Nẵng được bác sĩ tư vấn đến Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh theo dõi vì thai nhi có bất thường tim nặng.

titphu1.png

Ngày 10/11/2023 chị Linh đến bệnh viện Từ Dũ khám và siêu âm tiền sản. Kết luận của bác sĩ là thai 26 tuần, nghi ngờ em bé bị hẹp van động mạch phổi kèm hở van 3 lá ¾.

Sản phụ được 2 bệnh viện đầu ngành là Từ Dũ và Nhi Đồng 1 hội chẩn, tư vấn đây là một tình trạng tim bẩm sinh nặng cần can thiệp nhiều lần sau sinh.

Khả năng xấu nhất tim em bé sẽ diễn tiến theo hướng tim một thất (tim bình thường có 2 thất) với tỷ lệ 30% và cần ghép tim về sau, 70% diễn tiến theo hướng tim 2 thất tiên lượng có khá hơn.

Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, thai kỳ có nguy cơ thai lưu vì do tình trạng hở van tim nặng. Sản phụ được tái khám mỗi 2 tuần, cân nặng và các chỉ số thai tăng trưởng trong giới hạn bình thường nhưng phần tim thai nhi diễn tiến theo chiều hướng ngày càng nặng thêm.

benhnhanphan1.png

Ngày 01/12/2023, siêu âm tim thai phát hiện tình trạng không lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải tiến triển, trào ngược van 3 lá nặng hơn. Tiên lượng thai nhi ngày càng xấu: 50% có thể can thiệp sửa chữa 2 thất sau sinh, khả năng thai lưu tăng 40%.

Ngày 3/1/2024, lúc thai của chị Linh được 32 tuần 5 ngày, hội đồng hội chẩn liên chuyên khoa giữa Bệnh viện Từ Dũ và Nhi Đồng I với đầy đủ chuyên gia các lĩnh vực đánh giá lại toàn bộ tình trạng diễn tiến bệnh, kết quả cho thấy tiên lượng em bé ngày càng xấu đi.

Lúc này tỷ lệ thai lưu vượt quá 50%, diễn tiến thiểu sản thất phải nặng hơn 70-80% theo hướng một thất cần ghép tim sau sinh.

Nếu đưa em bé ra ngoài ở thời điểm này nguy cơ tử vong sơ sinh cao do non tháng và đi kèm tim bẩm sinh nặng. Do đó, can thiệp trong bào thai bán khẩn “nong van tim cấp cứu” trong trường hợp này là thiết yếu và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.

Sau khi tư vấn đầy đủ và được sự đồng thuận của gia đình, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định phối hợp thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai này vào ngay hôm sau.

titphu2.png

8 giờ sáng ngày 4/1, Ban Giám đốc và ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 thảo luận rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai trước khi triển khai.

Để ca mổ được thực hiện thành công và an toàn, hai bệnh viện lên kế hoạch sẵn sàng phối hợp của 15 chuyên gia thuộc 5 chuyên khoa: sản khoa – nhi sơ sinh – gây mê hồi sức – tim mạch – chẩn đoán hình ảnh.

Sau đó, trong buổi sáng 4/1, ê-kíp của hai bệnh viện bắt đầu can thiệp tim thai trong bào thai. Hai kíp phẫu thuật của cả hai bệnh viện đã cân não, bảo đảm độ chính xác ở mức tuyệt đối và không sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp.

bac-si-can-thiep.png

Biên bản chuyên môn của bệnh viện ghi nhận: “Lúc 9 giờ, bác sĩ can thiệp nong van tim cấp cứu trong bào thai dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau đó bác sĩ đi kim 18G vào buồng thất phải của thai, luồn Guidewire 0.014” vào thất phải, qua van động mạch phổi lên thân động mạch phổi. Cuối cùng đưa Balloon Saphire 2.5 x 15 mm vào vị trí van động mạch phổi, bơm bóng với áp lực 14 bar x 2 lần”.

Kết quả thật ngoạn mục, trên màn hình siêu âm kiểm tra, tim thai lại thấy dòng chảy qua van động mạch phổi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.

Kỹ thuật và quá trình can thiệp vào tim bào thai qua video trực tiếp của ê kíp thực hiện phẫu thuật ngày 4/1/2024. (Nguồn video: BSTCC)

Diễn tiến của toàn bộ ca can thiệp chỉ khoảng 30 phút, thành công như mong đợi, nhưng đó là những giờ phút cân não bởi các bác sĩ phải nỗ lực hết sức bảo đảm chính xác tuyệt đối, hạn chế tối đa sự cố có thể xảy ra.

Đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, can thiệp bào thai là một can thiệp chuyên sâu. Bên cạnh thành công, kỹ thuật cũng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong và sau khi can thiệp, như tràn máu màng ngoài tim, nhịp tim chậm dẫn đến ngưng tim, chuyển dạ sinh non, ối vỡ non.

“Đây là ca phẫu thuật can thiệp bào thai nong van tim cấp cứu được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam dưới sự phối hợp vô cùng chặt chẽ và nhịp nhàng của 2 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành. Từ đây mở ra hy vọng và niềm tin cho tất cả thai phụ cùng gia đình không may em bé có những bất thường tim bẩm sinh phát hiện lúc mang thai” - Đại diện Bệnh viện Từ Dũ.

anh-trong-bai-1.png
titphu3.png

Sáng 5/1, tranh thủ chút thời gian giữa những ca can thiệp cho bệnh nhi, TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhi đồng 1, người thực hiện giai đoạn quyết định của cuộc can thiệp cho thai nhi, chia sẻ:

“Can thiệp bào thai là lĩnh vực y học khá mới mẻ trên thế giới. Ngày xưa khi trình độ y học còn hạn chế, để chữa những ca bệnh tim bẩm sinh, người ta phải chờ em bé ra đời, đủ cân nặng, đủ tháng tuổi mới phẫu thuật hoặc can thiệp. Nếu như thế thì trái tim em bé sẽ bị hư nặng, khó sửa chữa. Nghiêm trọng hơn, em bé sẽ tử vong vì bệnh tim, không chờ kịp đến ngày điều trị. Nhưng ngày nay nhờ công nghệ phát triển, bác sĩ có thể điều trị dị tật tim của em bé ngay từ bào thai”.

bstin.png

Để làm được kỹ thuật này, theo BS Tín, cần sự hỗ trợ của nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong đó đặc biệt kể đến là lĩnh vực siêu âm tim thai, chẩn đoán và điều trị tiền sản. Như trong ca bệnh con của sản phụ Linh, phối hợp hỗ trợ cùng anh là bác sĩ CK 2 Đỗ Thị Cẩm Giang, Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng Khoa Chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ.

Bác sĩ Tín nói: “Tay nghề của bác sĩ Thư Hương thật tuyệt. Nhờ chị đâm kim xuyên bụng vào tử cung người mẹ mà tôi mới có đường để luồn dụng cụ đi tới tận trái tim em bé”.

Thực tế là can thiệp bào thai điều trị bệnh tim bẩm sinh bắt đầu có từ 20 năm nay, nhưng chỉ làm đại trà trong 10 năm gần đây, nhiều nhất ở Brazil với số lượng lên đến cả ngàn ca. Ở các nước tiên tiến, số lượng ca bệnh chưa nhiều vì những đòi hỏi khắt khe chuyên môn và tay nghề của bác sĩ chưa cao.

bstin2.png

Nhưng để có được thành công như ngày nay, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín đã phải trả giá vì thất bại. Anh tâm sự: “Cách đây 4 năm, tôi điều trị cho một ca bệnh tương tự, nhưng thất bại vì thiếu dụng cụ chuyên dụng. Khi đó tôi phải chế dụng cụ từ dụng cụ người lớn. Thất bại cũng do tay nghề mình chưa giỏi”.

Đau đáu vì thất bại này, tận dụng những chuyến công tác ở nước ngoài, bác sĩ Tín xin đồng nghiệp cho vào tận nơi xem và học hỏi. Từ đó anh tự tin và quyết tâm sẽ làm được.

Giữa năm qua, bác sĩ Tín hỗ trợ Bệnh viện Từ Dũ điều trị thành công ca can thiệp bào thai đầu tiên. Nhưng đó là ca khá đơn giản, chỉ dừng lại ở mức độ can thiệp trên bánh nhau. Còn lần này thì can thiệp ngay tận trái tim thai nhi.

Anh nói: “Để tưởng tượng khó khăn của kỹ thuật này, chúng ta cần biết trái tim thai nhi chỉ cỡ trái dâu tây. May mắn là thành công. Nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ, nhờ mọi người phối hợp cùng nhau làm việc tốt và cũng nhờ có những dụng cụ chuyên dụng phù hợp”.

screenshot_1.png

Tác giả: Phan Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Can thiệp bào thai, hướng đột phá mới của y học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO