Tuy nhiên, lâu nay hầu hết học sinh và người nhà quan tâm là không chỉ chọn ngành nghề phù hợp mà khi học xong phải có cơ hội… xin được việc làm. Đây là nguyên nhân chính chi phối lựa chọn ngành nghề của đa số học sinh và phụ huynh.
Việc chọn nghề đúng năng lực và nhu cầu thực tế sẽ giúp học sinh phát huy được khả năng của mình |
Tại nhiều cuộc tư vấn hướng nghiệp, vấn đề được học sinh quan tâm, đặt câu hỏi nhiều nhất là ngành nghề nào sẽ dễ có cơ hội xin việc nhất. Thậm chí, cũng vì mục đích này mà nhiều học sinh đã bỏ qua niềm yêu thích khi chọn ngành nghề đăng ký dự thi.
Em Nguyễn Thị L, học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Em cũng biết là nên chọn ngành mình yêu thích và phù hợp với năng lực để sau này dễ dàng hơn trong công tác. Nhưng bây giờ em đang tìm hiểu xem ngành nào sau này có khả năng xin việc cao nhất để đăng ký chứ chưa dám quan tâm đến việc thích hay không”.
Việc chọn nghề yêu thích đối với học sinh có học lực trung bình, khá đã khó khăn nhưng với học sinh giỏi thì cũng không phải dễ dàng.
Tại cuộc gặp mặt học sinh giỏi quốc gia vừa qua do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức, khi được hỏi về việc chọn trường và nghề đăng ký xét tuyển, em Trần Thị Hoa, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) đạt giải nhì môn văn chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã mơ ước được làm giáo viên. Vì vậy, từ khi vào học cấp hai đến nay tôi vẫn nỗ lực học để có thể làm cô giáo. Nhưng, qua tìm hiểu thì những năm gần đây số lượng sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp rất nhiều nên tôi đã chuyển qua đăng ký xét tuyển vào ngành công an. Thi vào ngành này cơ hội có việc làm sau khi ra trường cao hơn”.
Ngoài mục đích chọn những ngành dễ xin việc khi ra trường thì nhiều học sinh vẫn quan niệm là phải thi đại học, cao đẳng để “bằng bạn, bằng bè”.
Em Trần Thị H, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk Rlấp) tâm sự: “Mới năm đầu mà thi cao đẳng, trung cấp nghề cũng thấy tiếc nên cố gắng xét tuyển vào đại học”.
Tâm lý phải vào đại học đã in sâu trong hầu hết học sinh và phụ huynh, bởi vì họ cho rằng có bằng đại học thì dễ xin việc hơn học nghề ở bậc trung cấp. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp hay ở những cơ sở đào tạo nghề. Qua khảo sát ở một số trường THPT thì số lượng học sinh đăng ký dự thi hoặc xét tuyển vào các trường đại học năm 2016 rất lớn, nhiều trường chiếm trên 90%.
Khó có thể bảo đảm việc lựa chọn ngành nghề dựa vào dự đoán của phụ huynh và học sinh là đúng với nhu cầu của xã hội. Thực tế hiện nay, từ việc chọn nghề chạy theo xu hướng đã dẫn đến tình trạng rất nhiều người khi ra trường không có việc làm, và “khủng hoảng thừa” của một số ngành như: Công nghệ thông tin, giáo viên tiếng Anh… Đây không chỉ là nỗi lo của sinh viên đã, sắp ra trường mà còn là nỗi lo của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn chọn ngành nghề đăng ký dự thi hàng năm.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, ngành Giáo dục chủ trương thực hiện phân luồng giáo dục. Theo đó, những em có học lực trung bình, khá thường được tư vấn, định hướng thi vào các trường trung cấp, cao đẳng hay chọn ngành nghề phổ thông phù hợp để học nhằm bảo đảm có việc làm hơn về sau.
Sự phát triển của xã hội sẽ tạo ra việc làm với nhiều ngành nghề và đòi hỏi trình độ chuyên môn khác nhau. Trong đó, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều. Đây là cơ hội cho những bạn chọn học trung cấp, học nghề được làm việc đúng chuyên môn và khẳng định bản thân, chứ không nhất thiết phải vào đại học.
Chính vì vậy, học sinh và phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm trong chọn ngành, nghề phù hợp với nguyện vọng, năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Ngành Giáo dục cũng cần tiếp tục tăng cường thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp để giúp các em đánh giá đúng năng lực và lựa chọn được ngành nghề phù hợp nhất.