Mùa mưa là thời điểm cây cà phê nhận được lượng nước, nguồn dinh dưỡng dồi dào, thúc đẩy quá trình phát triển. Thời điểm này, cây cà phê tăng trưởng mạnh về cành, chồi, trái phát triển nhanh về kích thước và tạo nhân. Đây cũng là thời điểm các vườn cà phê đối mặt với nhiều loại dịch bệnh và hiện tượng rụng trái. Nếu tình trạng này kéo dài, mức độ nhiễm bệnh, rụng trái cao sẽ ảnh hưởng năng suất cho vụ tới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) có hơn 3 ha cà phê. Đến nay, vườn cà phê của bà Thanh đang trong thời kỳ tăng trưởng kích thước trái, tạo nhân, phát triển cành thứ cấp. Vườn cây được đầu tư, chăm sóc chu đáo nên xanh tốt, lượng trái đều, cây phát triển khỏe.
Theo bà Thanh, để vườn cây phát triển ổn định, những tháng mùa mưa, bà đã bỏ nhiều công sức chăm sóc vườn cà phê. Bà Thanh cho biết: “Trước tiên, muốn cà phê sạch sâu bệnh, vườn cây phải thông thoáng. Vì thế, đầu mùa mưa, tôi tiến hành tỉa cành, làm cỏ, cắt bỏ hết những cành bị sâu bệnh. Nhờ đó, đã giảm được rất nhiều sâu bệnh trong vườn”. Cũng theo bà Thanh, việc tỉa cành sớm, đúng kỹ thuật, không chỉ làm thông thoáng vườn cây, mà còn giúp cà phê tăng lượng cành dự trữ cho vụ sau, giảm hẳn hiện tượng rụng trái non, tăng chất lượng nhân cho hạt cà phê.
Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) tỉa cành sớm, đúng kỹ thuật, giúp vườn cà phê hạn chế sâu bệnh, giảm hiện tượng rụng trái non |
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, toàn huyện có trên 22.000 ha cà phê, ước sản lượng trên 60.000 tấn. Thời gian qua, huyện đã thực hiện một số mô hình trình diễn cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cao… Bên cạnh đó, đa phần các vườn cà phê trên địa bàn còn trẻ, nông dân sử dụng các giống mới, khả năng kháng sâu bệnh cao, nên việc chăm sóc trong mùa mưa rất thuận lợi.
Còn tại huyện Đắk R’lấp từ đầu vụ đến nay, thời tiết diễn ra thuận lợi, nông dân tăng cường chăm sóc đầu tư nên các vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với mọi năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Kiến Thành, để giảm tỷ lệ rụng trái non, bà con cần phải thực hiện phương pháp bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách). Ông Thắng cho hay: “Để giảm hiện tượng rụng trái, tôi đã tăng đạm vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa thì giảm lượng đạm, tăng kali và lân. Cùng với đó là kết hợp phun thuốc phòng bệnh hợp lý, bón phân vừa đủ, giúp trái non tăng kích thước và hạn chế hiện tượng rụng trái đến mức thấp nhất”.
Bón phân cân đối sẽ giúp vườn cà phê sinh trưởng, phát triển ổn định |
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN – PTNT), hiện nay, tại các vùng trồng cà phê thường xuất hiện các bệnh gây hại chủ yếu như: bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, thán thư (thối đầu cành), rệp các loại, tuyến trùng hại rễ,... gây hại rải rác, nhưng mật độ, tỷ lệ hại thấp.
Trong giai đoạn này, bà con nên theo dõi thường xuyên vườn cây để phát hiện, phòng trừ kịp thời sâu hại, hiện tượng rụng trái do sinh lý, nấm, rệp cuốn trái… Nếu trường hợp rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ. Vì vậy, để phòng trừ hiệu quả, bà con nông dân cần tiến hành sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị, theo tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, liều dùng của ngành chuyên môn.