Tại buổi làm việc, các ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tập trung thảo luận nhiều khó khăn, vướng mắc hiện đang gặp phải trong quá trình tiếp cận vốn. Theo nhiều phản ánh của doanh nghiệp, việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp của ngân hàng hiện còn thấp.
Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phản ánh khó khăn trong thẩm định tài sản của ngân hàng đối với doanh nghiệp |
Các tổ chức tín dụng chưa mạnh dạn cho vay đối với nhiều tài sản gắn liền trên đất. Mặt bằng chung lãi suất của các tổ chức tín dụng còn cao so với các địa bàn các tỉnh, thành khác.
Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 của Nhà nước. Thời hạn vay đối với doanh nghiệp còn hạn chế...
Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ phản ánh việc các doanh nghiệp phải đi ra ngoài tỉnh vay vốn do khó tiếp cận vốn tại các ngân hàng trên địa bàn |
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn 32.055 tỷ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm đầu năm 2021. Huy động vốn trong hệ thống được 12.611 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Chi nhánh Đắk Nông phản ánh những khó khăn của ngân hàng trong việc xác định giá trị tài sản trên đất |
Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh có 1.145 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ 400 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay mới được 32.348 tỷ đồng, với 10.876 tỷ đồng còn dư nợ. Toàn tỉnh có 13 khách hàng miễn, giảm lãi vay, với tổng dư nợ được miễn, giảm lãi 70 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, thời gian tới, các doanh nghiệp, chính quyền và ngân hàng cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau |
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, giữa doanh nghiệp, chính quyền và ngân hàng cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Thông qua kết nối, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sẽ được nắm bắt, xử lý kịp thời.
Về phía ngân hàng cần thay đổi, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm theo hướng chủ động tìm kiếm khách hàng. Việc tiếp cận với những doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua các dự án lớn triển khai cần được các tổ chức tín dụng chủ động hơn nữa.
Về phía các sở, ngành, địa phương cần đơn giản hoá mọi hồ sơ, thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Việc tổ chức đối thoại, kết nối ngân hàng cần phải phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn.