Cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn trạm sạc xe điện

Cao Biên t.h| 11/01/2023 15:22

Ngoài việc phải đầu tư "tiền tấn" xây dựng cơ sở hạ tầng như bãi đỗ, hệ thống trụ sạc, kết nối nguồn điện,... các doanh nghiệp cũng đang khá loay hoay khi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho trạm sạc tại Việt Nam chưa mấy hoàn thiện.

ADQuảng cáo

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng, Bộ KH&CN, trong tổng số 260 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện - bao gồm cả ô tô, mô tô, xe máy và xe đạp điện. Còn với hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hiện chỉ có 5 quy chuẩn dành riêng cho ô tô điện.

Doanh nghiệp tiên phong gặp khó khi xây dựng trạm sạc

Trong hệ thống TCVN liên quan đến xe điện có nhiều yêu cầu chưa được đề cập đến như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; yêu cầu kỹ thuật về thiết bị đo của trạm sạc xe điện; trạm đổi pin; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy xe điện; tái chế đối với ắc-quy, pin; yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe buýt điện;...

Dù đã lắp đặt hàng nghìn trạm sạc trên cả nước, nhưng ở một số hạng mục, VinFast phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế. Ảnh: VinFast

Giới chuyên gia cho rằng, các TCVN, QCVN hiện nay chưa thực sự bao quát được hết những vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng xe điện. Trong khi đó, quy mô thị trường xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng trên thế giới ngày càng cao mà Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế.

VinFast là nhà sản xuất ô tô điện tiên phong với việc triển khai hơn 2 nghìn trạm sạc, cụ thể là hơn 40 nghìn cổng sạc cho ô tô, xe máy trên cả nước. Tuy vậy, việc còn một số khoảng trống tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc xe điện khiến doanh nghiệp này ít nhiều lúng túng.

Ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast cho biết, trong quá trình xây dựng hệ thống trạm sạc, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xe điện.

"Bộ KH&CN đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống, thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế", ông Thắng nói.

Theo đại diện VinFast, còn một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý,  mỗi địa phương hướng dẫn lắp đặt trạm sạc khác nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều. Những điều này cũng ảnh hưởng đến việc phủ rộng các trạm sạc của VinFast.

Việt Nam hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)

Cần sớm có đủ bộ "kim chỉ nam"

Để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong quản lý trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương vừa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung này được Bộ Công Thương đề cập trong công văn trả lời Văn bản số 3440/BKHCN-TĐC ngày 21/11/2022 của Bộ KH&CN về việc bổ sung trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện (cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện là rất cần thiết, nhằm thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, phù hợp, hài hòa với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, khi đã có "kim chỉ nam" là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đầy đủ, doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe điện tại thị trường Việt Nam cũng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn công nghệ, lắp đặt hệ thống trạm sạc rộng khắp trên cả nước.

Việc chưa có đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng khiến các hãng xe điện chưa dám mạnh mẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện không chỉ là là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ; góp phần bảo vệ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xe điện.

Thế nên, muốn phát triển ô tô điện nhằm thay thế hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong theo lộ trình của Chính phủ, ngoài những chính sách ưu tiên, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện thì các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, bổ khuyết những điểm còn thiếu về tiêu chuẩn, quy chuẩn càng sớm càng tốt.

Hiện nay, ngành xe điện trên thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ với 3 thị trường đi đầu gồm Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ.
Tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc có khoảng 3,91 triệu trạm sạc, bao gồm khoảng 1,52 triệu trạm sạc công cộng và 2,39 triệu trạm sạc tư nhân. Trong khi đó, Hoa Kỳ mới đây đã công bố các tiêu chuẩn mới cho chương trình xây dựng mạng lưới quốc gia gồm khoảng 500 nghìn trạm sạc xe điện vào năm 2030.
Còn tại châu Âu, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc. Nhật Bản cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2030, số lượng các trạm sạc cho xe điện sẽ là 150 nghìn trạm.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các thiết bị trạm sạc điện; dịch vụ thu phí, thanh toán sạc điện và các dịch vụ cung cấp khác trên thế giới cũng đang phát triển rất nhanh chóng. 
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/can-som-hoan-thien-kim-chi-nam-de-phat-trien-tram-sac-xe-dien-2099638.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn trạm sạc xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO