Cần sáng suốt nhận diện giữa hủ tục và định kiến

UÔNG THÁI BIỂU| 18/09/2024 21:51

Văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số rất phong phú và đa dạng. Những thực hành văn hóa, tâm linh hay sinh kế là kết quả của sự tích tụ và phát triển qua nhiều thế hệ gắn chặt với điều kiện tự nhiên và xã hội ở một địa bàn cụ thể cho một cộng đồng cụ thể.

Chính vì vậy, nó rất phù hợp với tiểu môi trường và hợp lý với cộng đồng sở hữu nó. Thí dụ như việc canh tác hốc đá hay dẫn thủy nhập điền trong ruộng bậc thang là những tinh túy giống như thâm canh ruộng lúa của người Kinh, tuy hình thức canh tác khác nhau nhưng đều là những tích tụ kinh nghiệm lâu đời, mang tính văn minh cao độ.

Tương tự, các thực hành tín ngưỡng cũng vậy. Xuất phát từ quan niệm mọi vật đều có linh hồn, cư dân miền núi tin rằng mỗi sự vật, hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần linh nào đó. Thí dụ như quan niệm cho rằng, các khu rừng được quản lý bởi các vị thần linh nên không được chặt phá bừa bãi, giúp người dân quản lý rừng tốt hơn. Người dân cũng tin rằng, tất cả các vị thần đều có thể gây ảnh hưởng đối với đời sống con người ở các mức độ khác nhau, ai tốt thì được phù hộ, ai xấu thì bị trừng phạt như bệnh tật, chết chóc, hay mất mùa. Các thực hành tín ngưỡng đóng vai trò như trụ đỡ tinh thần để giúp người dân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và là nền tảng cho những cơ chế quản lý xã hội, giáo dục đạo đức và khuôn mẫu hành xử hợp lý trong gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc, do những khác biệt về niềm tin, về thực hành văn hóa hay phương thức canh tác mà có thể dẫn đến hiểu sai, phán xét hoặc cho rằng văn hóa người dân tộc là lạc hậu, là hủ tục. Điều này cần tránh vì rõ ràng văn hóa mang tính vùng miền, cộng đồng và sự khác biệt là không tránh khỏi. Sự khác biệt này thể hiện sự đa dạng của văn hóa chứ không thể hiện sự thấp kém của văn hóa.

Hiện nay quá trình di dân, gắn kết kinh tế thị trường, giao lưu văn hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Các yếu tố khoa học kỹ thuật mới mẻ đã làm cho các nền văn hóa va đập với nhau mạnh hơn. Văn hóa với bản chất là mở và tự làm mới mình để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội đã và đang du nhập những giá trị mới, những thực hành văn hóa mới và loại bỏ những tập tục không còn phù hợp. Điều quan trọng, quá trình này phải là quá trình tự quyết của cộng đồng dựa trên ưu tiên lợi ích của họ chứ không phải do sự áp đặt từ bên ngoài vào.

Chính vì vậy, các chính sách cũng như chương trình phát triển cần lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu tính hợp lý của các thực hành văn hóa khác biệt từ quan điểm của cộng đồng, từ đó có những giải pháp đồng thuận. Chắc chắn, khi đó sẽ có sự tham gia tích cực của người dân để bảo đảm thành công.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/can-sang-suot-nhan-dien-giua-hu-tuc-va-dinh-kien-post831744.html
Copy Link
https://nhandan.vn/can-sang-suot-nhan-dien-giua-hu-tuc-va-dinh-kien-post831744.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cần sáng suốt nhận diện giữa hủ tục và định kiến
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO