Cần quyết tâm chính trị mới cho nghề giữ rừng (kỳ 4): Quyết sách đủ mạnh để thay đổi và phát triển nghề rừng
Trước mắt, những người ở “tuyến đầu” trong quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cần được bảo đảm sống được với nghề. Về lâu dài, để giải quyết căn cơ vấn đề rất cần 1 quyết sách mới đủ mạnh cho người giữ rừng.
Phải sống được với nghề
Đắk Nông có hơn 293.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên. Trong số này, có trên 200.000 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và các công ty lâm nghiệp quản lý.
Trong các đối tượng “chủ rừng”, công ty lâm nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Kinh phí QLBVR được ngân sách Nhà nước bố trí.
Đơn vị nào có lưu vực thủy điện thì hưởng thêm kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng. Các đơn vị không có lưu vực thì được Nhà nước trợ cấp thêm 150.000 đồng/ha/năm. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ QLBVR của các “chủ rừng” này dao động từ 450.000 - 600.000 đồng/ha/năm.
Các “chủ rừng” còn lại là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Sở NN-PTNT. Một số đơn vị có dịch vụ môi trường rừng thì tự chủ được về tài chính. Các đơn vị còn lại được Ngân sách địa phương chi trả cho công tác QLBVR.
Dù làm nghề “giữ vàng”, nhưng hầu hết các "chủ rừng" ở Đắk Nông đều nghèo. Thiếu tiền, “chủ rừng” gặp khó trong việc tăng nhân lực để phục vụ công tác QLBVR.
Tài chính eo hẹp, việc xây dựng trạm, chốt và mua sắm trang thiết bị cho lực lượng QLBVR chuyên trách cũng gặp vô vàn khó khăn.
Giám đốc BQLRPH Đắk R’măng Trương Trường Giang, chia sẻ: Muốn QLBVR tốt, những người giữ rừng phải sống được với nghề. Thu nhập của họ phải được tăng lên chứ không thể như hiện tại. Trạm, chốt và điều kiện sinh hoạt đi kèm cũng cần được đầu tư thêm.
Ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành cho rằng, để giữ rừng tốt thì phải tăng quân số QLBVR.
Muốn vậy thì phải thực hiện chính sách đặt hàng giao nhiệm vụ công ích (nhiệm vụ bảo vệ rừng) theo định mức. Lực lượng QLBVR cũng cần thêm chính sách đặc thù thì mới thu hút được.
Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở NN-PTNT xây dựng các chính sách phát triển lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ lực lượng QLBVR. Mục tiêu hướng đến là lực lượng QLBVR phải sống được vì nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Quang Dần, hiện tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng các Trạm QLBVR cho các đơn vị sự nghiệp. Lộ trình tới năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 10 trạm QLBVR mới được xây dựng. Cơ sở vật chất QLBVR sẽ được cải thiện đáng kể nhờ các trạm này.
Đối với vấn đề thu nhập, chính sách, Sở NN-PTNT đã đánh giá từng nhóm đối tượng giữ rừng. Theo phương án đề xuất, thu nhập tối thiểu của người giữ rừng ít nhất là 10 triệu đồng/tháng.
“Lực lượng QLBVR tại các đơn vị sự nghiệp và lực lượng Kiểm lâm có thể sẽ được hỗ trợ thu nhập này. Tuy nhiên, lực lượng QLBVR chuyên trách tại các Công ty lâm nghiệp thì khó hơn”, ông Dần cho hay.
Cộng đồng trách nhiệm
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình, pháp luật quy định, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân. Các đơn vị “chủ rừng” đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ QLBVR.
Để QLBVR tốt hơn, việc phối hợp xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm là đặc biệt quan trọng. Khi các vụ việc có sự phối hợp tích cực của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng vi phạm sẽ dè dặt, tránh được tình trạng “nhờn thuốc”.
Ông Bình cho rằng: Cộng đồng nên có sự thay đổi về nhận thức trong công tác QLBVR. Cần phải thay đổi rằng, QLBVR là trách nhiệm của toàn xã hội mà “chủ rừng” là nòng cốt. Những nỗ lực của “chủ rừng” cần được cộng đồng ghi nhận, chia sẻ và ủng hộ.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn Đinh Văn Nam, đề xuất: Nhà nước cần xem xét quy định ngành nghề QLBVR là ngành nghề nguy hiểm, độc hại đặc thù để có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Lực lượng QLBVR cần được bảo vệ, hưởng chế độ chính sách nếu bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ. Có như vậy, lực lượng QLBVR mới yên tâm giữ nghề, quyết tâm giữ rừng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Lê Quang Dần, rừng là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tài sản chung. Trách nhiệm QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng là của toàn dân.
Ông Dần cho rằng, rừng mang lại rất nhiều giá trị to lớn. Do đó, việc khai thác phải đi đôi với bảo vệ, phát triển rừng. Sự suy giảm tỉ lệ che phủ rừng và suy kiệt chất lượng rừng thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu và những thiên tai khó lường gần đây.
Do đó, các cấp, các ngành cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Khi cộng đồng chung tay bảo vệ rừng, quan tâm, cổ vũ cho lực lượng giữ rừng, công cuộc QLBVR chắc chắn sẽ có chuyển biến.
Cần 1 quyết sách mới đủ mạnh
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, vào năm 1976, Tây Nguyên có 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng 78%. Nhưng hiện Tây Nguyên chỉ còn 2,1 triệu ha rừng, trong đó chỉ có 10% là rừng giàu, còn lại là nghèo kiệt.
Độ che phủ toàn vùng Tây Nguyên đạt khoảng 46% nhưng rừng có sản lượng chỉ có khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với cả nước (42%). Giai đoạn 1976 - 2005, mỗi năm Tây Nguyên mất khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Từ năm 2006 tới nay, diện tích rừng mất giảm còn 25.000 ha/năm.
Từ “thủ đô” lâm nghiệp, Tây Nguyên đang trở thành “vùng trũng” của cả nước. Tây Nguyên lùi 1,7 triệu ha rừng cho tăng dân số cơ học, dành chỗ sinh sống cho người dân (dân số Tây Nguyên tăng từ 1,2 triệu người năm 1976 lên khoảng 6 triệu người như hiện nay).
Diện tích rừng lùi để đổi lại, Tây Nguyên trở thành trung tâm của cà phê, cao su, hồ tiêu… Rừng Tây Nguyên đã lùi tới mức không thể lùi được nữa.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, muốn QLBVR tốt, tăng độ che phủ thì phải xây dựng lực lượng giữ rừng đủ mạnh. Để làm được việc này thì cần có quyết tâm chính trị lớn, thể hiện bằng các quyết sách từ Trung ương.
“Chúng tôi đề nghị cho phép xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho người trực tiếp QLBVR, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trung ương cần giao cho Bộ Công an đầu tư mua sắm, trang cấp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm toàn quốc để làm nhiệm vụ”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Tây Nguyên có vị trí đặc biệt chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng.
Đây là vùng có diện tích rừng đứng thứ hai cả nước, nhưng công tác QLBVR đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phổ biến.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực QLBVR. Nhưng thực tế, các chính sách này chưa thực sự bảo đảm cuộc sống của người dân, lực lượng QLBVR.
Hiện Bộ Chính trị rất quan tâm đến vấn đề này. Ban Kinh tế Trung ương đã và đang làm việc với các vùng để nắm bắt, tổng hợp và xây dựng nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị. Trong đó, sẽ có nhiều thay đổi so với chính sách hiện tại.