gian-nan-chuan.jpg

Kỳ 2: Khó "giữ chân" người giữ rừng

Lê Phước 24/05/2023 18:00

Trước những áp lực không ngừng tăng, nhiều nhân viên quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đã quyết định bỏ nghề, tìm công việc khác. Điều này đã để lại khoảng trống khá lớn trong công tác giữ rừng.

Áp lực và 369 người xin nghỉ việc

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) quản lý, bảo vệ hơn 27.200 ha rừng và đất rừng, trong đó có gần 24.000 ha rừng.

Tổng chu vi lâm phần đơn vị quản lý khoảng 120 km, trên địa giới hành chính 3 xã: Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Ngo (Tuy Đức).

a1-tuan-tra(1).jpg
Điều kiện công tác của lực lượng QLBVR Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên khá vất vả

Hiện Công ty có 72 lao động, trong đó có 47 nhân viên QLBVR chuyên trách. Thu nhập bình quân năm 2022 của Công ty là 9,5 triệu đồng/người. Đây là mức lương cao nhất của các đơn vị “chủ rừng” tại Đắk Nông.

Nhiều người ngỡ rằng, mức lương ấy sẽ giúp cho Công ty thu hút, giữ chân được lực lượng QLBVR. Thế nhưng, sự thật không phải như vậy.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty, từ năm 2021 tới nay, có hơn 10 lao động đã xin nghỉ việc. Trong đó, có cả người làm lãnh đạo, quản lý.

Cầm trên tay những lá đơn, ông Bình cho biết, người nghỉ việc thường lấy lý do vì công việc gia đình hay chuyển sang công việc khác phù hợp. Nhưng ẩn sau đó là những câu chuyện xót xa, những áp lực hữu hình mà không phải ai cũng dám nói.

“Làm nghề này phải xa gia đình mà thu nhập lại khiêm tốn. QLBVR là phải trực tiếp tuần tra xa xôi, ngày đêm và trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm tại các “điểm nóng”. Làm chặt thì đối tượng vi phạm chống đối, thậm chí xâm hại sức khỏe, tính mạng. Còn để rừng bị mất thì bị kỷ luật”, ông Bình cho biết.

Tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, từ năm 2016 tới nay, có 39 nhân viên QLBVR nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Hiện Công ty chỉ còn 33 nhân viên đảm nhiệm quản lý hơn 18.200 ha rừng và đất rừng.

Theo ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty, thông thường, các khu rừng tập trung thì mỗi nhân viên quản lý khoảng 500 ha. Còn tại khu vực rừng giáp ranh với rẫy canh tác của người dân thì mỗi nhân viên đảm nhiệm khoảng 200 - 300 ha. Nhưng hiện mỗi nhân viên Công ty đang quản lý trên 550 ha.

a4-img_2923(1).jpg
QLBVR vừa làm nhiệm vụ giữ rừng, vừa làm nhiệm vụ giữ đất lâm nghiệp

Nghỉ việc nhiều nhất là tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Chỉ trong 5 năm, đã có 45 người nghỉ việc và chuyển công tác. Có những người gắn bó 5 năm hoặc 10 năm cũng quyết định nghỉ việc.

Theo Giám đốc Công ty Đinh Văn Nam, diện tích rừng và đất rừng Công ty quản lý rộng, không tập trung. Rừng manh mún, rải rác trên địa bàn 2 xã Quảng Sơn và Quảng Hòa, xen lẫn với nương rẫy của người dân.

“Điều kiện làm việc phức tạp, áp lực công việc của lực lượng QLBVR là rất nặng nề, có lúc nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ hiện tại chưa tương xứng, nên việc giữ chân họ là rất khó”, ông Nam chia sẻ.

a3-mac-vong(1).jpg
Lực lượng QLBVR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn thường xuyên phải mắc võng canh rừng
ADQuảng cáo

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, lực lượng QLBVR phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Trong khi đó, chế độ chính sách (lương, phụ cấp…) và cơ sở vật chất (trạm chốt, thiết bị phục vụ…) không đủ trang trải cuộc sống.

Từ năm 2016 tới nay, toàn tỉnh có 369 người làm nghề QLBVR đã xin nghỉ việc, chuyển công tác.

Nhiều kiểm lâm không "chịu nổi nhiệt"

Theo Luật Lâm nghiệp, kiểm lâm có chức năng QLBVR, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Đây cũng là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Còn lực lượng chuyên trách QLBVR do “chủ rừng” tuyển dụng, quản lý (gồm viên chức và hợp đồng lao động). Viên chức sẽ được hưởng chế độ lương và các quy định khác.

Hợp đồng lao động được “chủ rừng” bảo đảm chế độ lương cùng chế độ khác theo hợp đồng lao động (quy định tại Nghị định số 01, năm 2019 của Chính phủ).

a5-img_1427(1).jpg
Kiểm lâm có nhiều chính sách hỗ trợ và quyền hạn đặc thù hơn so với QLBVR

Cùng làm nghề giữ rừng, nhưng các chế độ giành cho kiểm lâm có khoảng cách "một trời một vực" so với lực lượng QLBVR chuyên trách.

Công chức kiểm lâm có tính ổn định, có quyền hạn và được pháp luật bảo vệ chặt hơn. Mức thu nhập của kiểm lâm cũng cao hơn nhiều so với QLBVR.

Thế nhưng, khi áp lực từ QLBVR tăng lên, nhiều kiểm lâm cũng không "chịu nổi nhiệt". Nhiều kiểm lâm đã tìm cách chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Từ năm 2018 tới nay, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông có 35 công chức nghỉ việc, chuyển công tác. Tính đến tháng 5/2023, toàn lực lượng kiểm lâm Đắk Nông có 184 biên chế, thiếu 24 biên chế được giao. Việc thiếu hụt kiểm lâm đã khiến công tác tổ chức QLBVR gặp nhiều khó khăn.

Anh Q gắn bó với nghề kiểm lâm gần 20 năm. Trong thời gian công tác, anh được luân chuyển đi nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhờ nghề kiểm lâm, đời sống của gia đình anh cũng khá. Nhưng cảnh xa vợ con và đổi mặt áp lực, khiến anh không an tâm công tác.

Cách đây không lâu, anh Q xin chuyển công tác về một đơn vị khác ngành ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). “Xin mãi mới được về đây cho gần vợ gần con. Cả tuổi trẻ dành cho nghề rồi, cũng đến lúc phải chấp nhận để có thời gian cho gia đình”, anh Q chia sẻ.

a-ta-dung-3-1-.jpg
Điều kiện làm việc của kiểm lâm hiện tại được đánh giá là khó khăn

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, công chức kiểm lâm thường xuyên làm việc trong điều kiện khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, hiểm trở. Địa bàn quản lý rộng, việc đi lại khó khăn, khiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt của kiểm lâm không ổn định.

Công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm phải thường xuyên, liên tục (24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết). Trong khi đó, các đối tượng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép rất manh động, sẵn sàng chống đối khi kiểm lâm làm nhiệm vụ.

Từ năm 2018 tới nay, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông có 35 công chức nghỉ việc, chuyển công tác. Tính đến tháng 5/2023, toàn lực lượng kiểm lâm Đắk Nông có 184 biên chế, thiếu 24 biên chế được giao. Việc thiếu hụt kiểm lâm đã khiến công tác tổ chức QLBVR gặp nhiều khó khăn.

Do thiếu hụt biên chế, nên một số công chức kiểm lâm phải bố trí kiêm nhiệm phụ trách nhiều xã, địa bàn quản lý rộng (khoảng 2.000 ha/người). Nhưng thu nhập lại khá hạn chế, hàng tháng kiểm lâm được nhận từ 5,4 - 8,7 triệu đồng/người.

a6-ta-dung-2(1).jpg
Kiểm lâm Đắk Nông phải tuần tra tại nhiều địa hình khó khăn và đối mặt với các đối tượng manh động

Không riêng gì Đắk Nông, việc lực lượng bảo vệ rừng nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra phổ biến ở Tây Nguyên và cả nước. Bộ NN-PTNT thống kê, từ năm 2020 - 2022, có 847 kiểm lâm xin thôi việc hoặc nghỉ hưu sớm. Cả nước có 1.487 nhân viên QLBVR chuyên trách đã xin thôi việc.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết tâm chính trị mới cho nghề giữ rừng (kỳ 2): Khó "giữ chân" người giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO