Văn hóa

Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh

Văn Toản 18/11/2024 09:31

Theo đại biểu Quốc hội, nên giữ nguyên mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, phim ảnh như hiện nay để tiếp tục tạo điều kiện đưa công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Việc tăng thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa, thể thao được cho là sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân, đồng thời làm tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Việc tăng thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa, thể thao được cho là sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân, đồng thời làm tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường ngày 29/10, sau đó được tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục cho ý kiến trong Phiên họp thứ 39 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự kiến ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật.

Trong các nội dung đề xuất sửa đổi lần này, một số quy định liên quan đến thuế về lĩnh vực văn hóa đang nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng như các văn nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, các hàng hóa, dịch vụ nói trên bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10%.

Nên có ưu đãi nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, thể thao thay vì nâng thuế suất

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng không nên điều chỉnh như trong dự thảo bởi nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng văn hóa, văn hóa vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Theo đại biểu, thời gian vừa qua, văn hóa đã có những đóng góp cho những hoạt động quảng bá thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao hiện nay còn nhiều hạn chế, dàn trải. Cho nên đáng lẽ ra nhân dịp sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này nên có ưu đãi nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, thể thao chứ không phải nâng mức thuế suất.

“Chúng ta nên giữ nguyên mức thuế suất 5% đối với lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn, sản xuất phim, phát hành và chiếu phim... Riêng những hoạt động gắn với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống chúng ta nên đưa vào nhóm thuế suất 0%.

Có như vậy chúng ta mới có những chính sách hỗ trợ, động viên cho lĩnh vực văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân ý kiến.

Có chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) cũng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế suất VAT 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.

Theo lý giải của đại biểu, tại khoản 3 Điều 9 trong dự thảo Luật, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế đã bị thu hẹp, chỉ còn tập trung vào nghệ thuật biểu diễn truyền thống và dân gian. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện và các sự kiện văn hóa cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông nêu rõ, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa.

Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông.

Tại văn bản gần đây nhất của Đảng về văn hóa là Kết luận số 84 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã chỉ rõ, các chính sách pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học nghệ thuật, trong đó cơ chế chính sách xã hội hóa chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tại Kết luận số 70 năm 2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới cũng xác định, chính sách phát triển kinh tế thể thao xã hội hóa, v.v. chưa đủ mạnh, nên khi sửa các luật có liên quan đến văn hóa như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa.

“Nhưng theo dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), chúng ta không những không giữ mức thuế ưu đãi như hiện nay mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi, như thế không khéo lại đi ngược với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Nữ đại biểu đoàn Bạc Liêu nhận định, trong bối cảnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế, thể thao đang được Đảng và Nhà nước định hướng là động lực phát triển kinh tế-xã hội mới, việc tăng thuế giá trị gia tăng tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang còn rất non trẻ.

Theo kinh nghiệm quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp như phân bổ từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ gián tiếp như các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Đây là một trong các chính sách phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là các quốc gia gần Việt Nam như là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore. Do đó, đại biểu nghị tiếp tục duy trì mức thuế suất VAT 5% cho các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung để bảo đảm tính khả thi và linh hoạt trong quản lý.

Tăng thuế suất VAT với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân

Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đồng tình việc không nên tăng mức thuế đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim lên 10% mà chỉ nên giữ ở mức như Luật hiện hành, bởi văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực rất nhạy cảm đối với xã hội.

Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh ảnh 3
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

“Phải nhìn nhận việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Nếu chỉ nghĩ rằng đầu tư cho văn hóa phải thu lợi trực tiếp từ văn hóa thì sẽ rất khó cho sự phát triển văn hóa”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong bối cảnh xã hội ngày này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng đầu tư cho văn hóa phải được tính toán một cách bao quát hơn. Theo ông, một trong những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa thời gian qua mà Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh qua các hội thảo, các phiên chất vấn chính là điểm nghẽn liên quan đến thuế, đến đất đai…

Những điểm nghẽn này tuy gián tiếp nhưng có tác động vô cùng quan trọng chứ không chỉ là những điểm nghẽn trực tiếp về mặt văn hóa. Vì vậy, các điểm nghẽn này cần được tháo gỡ dần dần thông qua các luật khác, vì trong các luật về văn hóa chúng ta không quy định thẳng vào đó được.

Ông lấy thí dụ, khi xây dựng Luật Điện ảnh đã tính đến việc có thuế suất ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam, nhưng chúng ta lại không thể quy định được vào trong Luật Điện ảnh, tương tự cũng không thể quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thư viện.

Chính vì thế, khi sửa các luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa. “Chúng ta không thể nhìn 2 bộ phim của Trấn Thành, của Lý Hải được vài trăm tỷ đồng mà thấy toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng, vì có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng”, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội nói.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho biết, người kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa gọi đây là “đầu tư mạo hiểm”. Họ chủ yếu đầu tư là vì tình yêu, vì đam mê về văn hóa chứ so với các lĩnh vực kinh tế khác như xây dựng cầu đường, xây dựng chung cư, siêu thị… thì không thể mang lợi nhuận được như vậy.

Thế nhưng, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) không những không giữ mức thuế ưu đãi đối với lĩnh vực này như hiện hành (5%) mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi.

“Đó là điều đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - lĩnh vực mà đáng lẽ ra chúng ta nên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát huy vai trò thực sự của văn hóa trong việc phát triển đất nước”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Phản hồi trước đề xuất sửa đổi nêu trên, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD - một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh, cho rằng việc tăng thuế suất VAT với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân. Đồng thời cũng là một “đòn” giáng vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vốn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh ảnh 4
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD.

“Giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi vẫn chịu lãi suất ngân hàng, vẫn phải chi lương nhân viên, rạp, và nhiều chi phí khác tạo ra khoản lỗ khổng lồ của các doanh nghiệp. Đối với BHD nói riêng, các doanh nghiệp điện ảnh nói chung, lỗ ròng, nợ của 3- 4 năm Covid-19 phải chục năm nữa chưa chắc đã bù lại được”, bà Hạnh chia sẻ và cho biết, doanh thu phòng vé hậu Covid-19 mới đạt hơn 80% so với giai đoạn trước dịch.

Theo bà, việc tăng thuế sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã rất vất vả làm văn hóa, còn làm hạn chế, làm chậm lại sự đầu tư vào văn hóa, sẽ rất khó khăn trong tiến trình phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Mặt khác, chính sách này cũng sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao.

“Người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả. Hiện nay, dù tăng lương nhưng trước mặt bằng chung nhiều thứ tăng giá theo nên trên thực tế, với mức lương tăng, người tiêu dùng vẫn mua được ít sản phẩm hơn. Vì giải trí là thứ cắt giảm dễ nhất, mà người dân chỉ lưu ý cơm ăn áo mặc nên nếu tăng giá vé lên 5% nữa thì tổng doanh thu sẽ giảm chứ không tăng trưởng”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

Theo Tổng Giám đốc BHD, rất nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách miễn, giảm thuế cho phát triển văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng. Chẳng hạn như Pháp, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc..., các nước này làm từ thời kỳ đầu của công nghiệp văn hóa. Họ hỗ trợ tầm 30-40 năm, cho đến bây giờ đang ở đỉnh cao của công nghiệp văn hóa và có thể dừng và tăng thuế. Nhưng với Việt Nam, chúng ta không thể áp dụng các chính sách hiện nay ở các nước đã phát triển công nghiệp văn hóa mà phải vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa ở giai đoạn đầu.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/can-nhac-ky-viec-ap-thue-suat-vat-10-doi-voi-linh-vuc-van-hoa-phim-anh-post845450.html
Copy Link
https://nhandan.vn/can-nhac-ky-viec-ap-thue-suat-vat-10-doi-voi-linh-vuc-van-hoa-phim-anh-post845450.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cân nhắc kỹ việc áp thuế suất VAT 10% đối với lĩnh vực văn hóa, phim ảnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO