Cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Đ.D| 02/11/2022 16:19

Sáng 2/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Đoàn ĐBQH Đắk Nông có đồng quan đểm là cần cân nhắc, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, môi trường về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trước khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật này, đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình rất cụ thể về các nội dung mà Ủy ban Khoa học, công nghệ nêu trong báo cáo thẩm tra.

Qua tổng kết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải sửa đổi. Luật này liên quan đến rất nhiều luật hiện hành từ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Bộ luật Tố tụng dân sự, rồi hòa giải cơ sở và một loạt các luật khác. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng có những nội dung chưa đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Ví dụ như tại điểm o, Khoản 1, Điều 17 của dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thì có nêu: yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng. Trong khi, theo nguyên tắc, người tiêu dùng với người bán hàng là một hợp đồng dân sự, nếu hai bên không đồng ý điều kiện thì không giao kết.

Mặt khác, hiện nay, Luật hòa giải cơ sở thì áp dụng đối với các hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp vi phạm pháp luật ở cơ sở. Luật Thương mại và Nghị định số 42, của Chính phủ thì quy định hòa giải trong tranh chấp thương mại. Dự thảo Luật này lại ấn định là thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị ở nội dung này nên để cho người tiêu dùng và các bên lựa chọn phương thức hòa giải thì phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình rất cụ thể về các nội dung mà Ủy ban Khoa học, công nghệ nêu trong báo cáo thẩm tra

Để đảm bảo tính thống nhất với Luật Tố tụng dân sự, theo đại biểu cũng cần xem lại nội dung tại Khoản 2, Điều 70 của dự thảo Luật.

Về áp dụng thủ tục rút gọn theo nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cần phải tham khảo thêm các quy định khác như Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất. Liên quan đến nội dung tại Điều 77 của dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của UBND có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Theo đại biểu, khi đã giao về thẩm quyền, cũng nên có quy định về giao nguồn lực thực hiện.  

Tại khoản 1, Điều 10 chỉ quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo cho người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng và khoản 2, Điều 11 thì lại quy định việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng được quy định trong luật này bao gồm cả việc chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba. Nếu quy định như vậy thì theo đại biểu rất khó kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị bỏ Điều 18 về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và hợp đồng mẫu trong dự thảo Luật.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Trường Giang, ngoài đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số câu từ, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng dự thảo Luật này cũng cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung để đáp ứng tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác.

Đại biểu Kiều đề nghị bổ sung cụm từ “cá nhân” vào khoản 1, Điều 4 nhằm nâng cao tính trách nhiệm, nhấn mạnh nghĩa vụ của mỗi công dân trong thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại Điều 7, dự thảo Luật có nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên chưa đề cập đến các hành vi cụ thể tác động đến đối tượng, gây tổn thương cho các đối tượng này. Mặt khác, Ban soạn thảo cần gộp điểm đ, Điều 7 (Phụ nữ đang mang thai) và điểm e, Điều 7 (Phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi) thành một điểm đ với nội dung “Phụ nữ đang mang thai; phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi” vì những quy định này có chung một đối tượng điều chỉnh là phụ nữ; đồng thời, thống nhất cách ghi về quy định pháp luật điều chỉnh sau mỗi đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Cơ quan soạn thảo cần xem xét lại quy định tại khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật về việc nội dung chính sách bảo vệ thông tin phải được công khai để tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần xem xét lại quy định tại khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật về việc nội dung chính sách bảo vệ thông tin phải được công khai

Tại Điều 24, dự thảo Luật có nội dung quy định: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”. Như vậy, Điều 24 chỉ quy định ngắn gọn về việc giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo hướng có lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung nhưng không có quy định về đối tượng có quyền và nghĩa vụ phải giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu hướng quy định rõ hơn về nội dung này, so sánh tính tương thích giữa Điều 24 với quy định của Bộ luật Dân sự về giải thích hợp đồng tại Điều 121, Điều 404 (Giải thích hợp đồng), Điều 587 (Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra (Điều 34), tại khoản 5, Điều 34 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 2, Điều này cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường cho người tiêu dùng”. Trong khi tại Điều 587 (Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra) của Bộ luật Dân sự quy định cụ thể, rõ ràng như sau: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu Bộ luật Dân sự nhằm làm rõ thêm theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc dẫn chiếu sang Bộ luật Dân sự để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, tạo nên cơ sở pháp lý thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tham gia Thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các đối tượng chịu áp dụng quy định tại Điều 2 của dự án Luật Giao dịch điện tử; nghiên cứu điều chỉnh nội dung tên Chương III của dự thảo cho phù hợp và đầy đủ, bởi vì các nội dung được quy định tại Chương III ngoài các quy định về “Dịch vụ tin cậy” còn có các quy định về “Chữ ký điện tử”. Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm “chứng thực” để tránh nhầm lẫn với quy định về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/can-nhac-dieu-chinh-mot-so-noi-dung-trong-du-thao-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-95850.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/can-nhac-dieu-chinh-mot-so-noi-dung-trong-du-thao-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-95850.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO