Cần lộ trình, bước đi chắc chắn để phát triển văn hóa, tránh đề ra qua lớn nhưng không có khả năng thực thi

03/05/2024 16:02

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu phải có lộ trình, bước đi chắc chắn, tránh trường hợp đề ra quá lớn, nhưng khả năng thực hiện không có; nhu cầu có, nhưng khả năng thanh toán không có.

Cần lộ trình, bước đi chắc chắn để phát triển văn hóa, tránh đề ra qua lớn nhưng không có khả năng thực thi- Ảnh 1.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Ngày 3/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong thời gian qua; vui mừng nhận thấy, mặc dù lĩnh vực phụ trách của Ủy ban rộng, nhiều nội dung nhạy cảm, phức tạp, Ủy ban đã lựa chọn các vấn đề lớn, quan trọng được dư luận xã hội, Nhân dân quan tâm để triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặc biệt rất mừng và đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục luôn bám sát Chương trình công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đoàn kết, dân chủ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức, điều hành công việc; giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; phát huy được trí tuệ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học tham gia vào công tác chuyên môn của Ủy ban.

Cần lộ trình, bước đi chắc chắn để phát triển văn hóa, tránh đề ra qua lớn nhưng không có khả năng thực thi- Ảnh 2.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Trong công tác lập pháp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã quán triệt tinh thần chuẩn bị "từ sớm, từ xa"; chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công tác phối hợp thẩm tra, chuẩn bị thẩm tra các chương trình, dự án Luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trong công tác giám sát,Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất giám sát một số vấn đề mới, khó để tổ chức giám sát (như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách địa phương đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực văn hóa, thông tin; tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023…).

Trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban đã tham mưu hiệu quả, chất lượng cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội tổng kết và triển khai các chủ trương lớn của Trung ương về phát triển văn hóa; về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em…

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả nước đang tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Nhấn mạnh bối cảnh này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chương trình công tác và các nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Cần lộ trình, bước đi chắc chắn để phát triển văn hóa, tránh đề ra qua lớn nhưng không có khả năng thực thi- Ảnh 3.
Quang cảnh phiên họp.

Bảo đảm trình Quốc hội dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất

Về các nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban tập trung nghiên cứu, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất nội dung dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, đây là dự án luật đã được chuẩn bị một năm rưỡi, nhưng trình sang cơ quan thẩm tra mới được hơn một tháng.

Do vậy, các thành viên Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo thận trọng, vì đây là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp. 

Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao. 

Quan trọng và cần nhất là "quy định chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa, chúng ta phải nghĩ cho hiện tại và tương lai cũng như cho phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, dân tộc ít người”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cần có lộ trình, bước đi chắc chắn, tránh trường hợp đề ra quá lớn, nhưng khả năng thực hiện không có

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tính đến nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu này, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện. 

"Chúng ta cần có lộ trình, bước đi chắc chắn, tránh trường hợp đề ra quá lớn, nhưng khả năng thực hiện không có; nhu cầu có, nhưng khả năng thanh toán không có”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở.

Đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. 

Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, qua các ý kiến cho thấy, địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhưng trước mắt năm 2024 cần xác định làm gì để tạo tiền đề cho Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2025 - 2035.

Chỉ rõ, Chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và Nhân dân cả nước, để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiến nghị với Chính phủ xem xét những nội dung nào lớn, cần xin ý kiến Bộ Chính trị; đồng thời bàn kỹ lưỡng việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực như thế nào cho trọng tâm, trọng điểm.

Với tinh thần như vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận, gửi văn bản để các thành viên nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp cụ thể vào các nội dung có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/can-lo-trinh-buoc-di-chac-chan-de-phat-trien-van-hoa-tranh-de-ra-qua-lon-nhung-khong-co-kha-nang-thuc-thi-119240503160236826.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/can-lo-trinh-buoc-di-chac-chan-de-phat-trien-van-hoa-tranh-de-ra-qua-lon-nhung-khong-co-kha-nang-thuc-thi-119240503160236826.htm

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cần lộ trình, bước đi chắc chắn để phát triển văn hóa, tránh đề ra qua lớn nhưng không có khả năng thực thi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO