Cần hơn 12.700 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư PPP cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đề xuất đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư tham gia khoảng hơn 12.700 tỷ đồng.
Hơn 25.500 tỷ đồng đầu tư gần 129km
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký Tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Theo phương án đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 129km, đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (gần 28km), qua tỉnh Bình Phước (99km) và khoảng 2km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Theo lộ trình dự kiến, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thực hiện từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Căn cứ trên cơ sở bố trí nguồn lực và nhu cầu vận tải, Chính phủ kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, tuyến chính cao tốc có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120km/h (tùy thuộc vào điều kiện địa hình); bề rộng nền đường 24,75m. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5m.
Đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài khoảng 2km sẽ được đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12m.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến chính cao tốc sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m.
Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe).
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ khoảng 25.540 tỷ đồng
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cần bố trí khoảng 12.770 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng hơn 2.200 tỷ đồng).
Vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng (chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1).
Đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai dự án, Chính phủ đề xuất phân chia dự án thành 5 dự án thành phần, gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Cụ thể, dự án thành phần 1 sẽ đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo phương thức PPP. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 4 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 5 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản.
Loạt cơ chế đặc thù tạo đà cho dự án tăng tốc
Tối ưu thời gian thực hiện, sớm đưa dự án vào khai thác, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hàng loạt các cơ chế đặc thù liên quan đến đấu thầu và mỏ vật liệu.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.
Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đảm bảo nguồn lực triển khai, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư.
Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.