Cần gỡ khó trong cấp sổ đỏ (kỳ 3): "Cởi trói" để phù hợp với thực tiễn

Lê Phước| 31/10/2022 10:29

Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật, mà cụ thể là Luật Đất đai (sửa đổi) nên có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện nay. Không chỉ tạo điều kiện cho người dân, việc điều chỉnh Luật Đất đai còn giúp công tác quản lý, sử dụng đất hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Cấp sổ đỏ để sử dụng đất hiệu quả

Điều 82, Nghị định 43 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định, các trường hợp nhận chuyển nhượng trước 1/1/2008 mà không có giấy tờ về đất đai thì được cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định các trường hợp nhận chuyển nhượng sau 1/1/2008. Chưa quy định tức là chưa cho phép cấp số đỏ lần đầu cho đất có nguồn gốc lâm nghiệp.

Theo Trưởng Phòng TN-MT Đắk Song Đồng Văn Giáp, nhiều khu vực đất ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung có nguồn gốc nông lâm trường, nhưng người dân sử dụng ổn định từ lâu.

Những diện tích này đã được bàn giao về cho địa phương quản lý, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc cấp sổ đỏ cho người đang sử dụng thực tế là việc nên làm.

“Cấp cho người bán, rồi người bán chuyển nhượng cho người mua thì kết quả cuối cùng vẫn là người mua đứng quyền sử dụng trên sổ đỏ. Cấp cho người mua không thất thoát gì cả. Nhà nước vẫn thu được các loại thuế theo quy định mà còn giúp được cho người dân”, ông Giáp phân tích.

Đồng quan điểm trên, Ông Dương Văn Quyền, Trưởng Phòng Đăng ký thống kê, đo đạc, viễn thám - chính sách đất đai (Sở TN-MT Đắk Nông) cho rằng, nên cấp đất cho đối tượng sử dụng thực tế trên các khu đất hiện đã ổn định. Việc này không chỉ giúp người dân mà còn giúp cả cơ quan Nhà nước trong quản lý dữ liệu về đất đai.

Theo ông Quyền, ở nhiều tỉnh, thành phố, họ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Dữ liệu của họ đã chi tiết tới từng khu vực, thậm chí đến từng thửa đất. Tại Đắk Nông, việc xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đang triển khai nhưng do thiếu nguồn lực nên kết quả còn rất hạn chế.

Nhiều diện tích đất nông lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý và người dân đã canh tác, sử dụng ổn định từ nhiều năm nay

Cơ quan Nhà nước không thể đưa vào cơ sở dữ liệu những đối tượng không trực tiếp sử dụng đất được. Việc cập nhật thông tin, dữ liệu về đất đai cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở các khu vực ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

“Nếu Nhà nước không cấp sổ đỏ trên khu đất đó thì người dân vẫn canh tác, sử dụng. Không có sổ đỏ thì họ vẫn mua bán, chuyển nhượng cho nhau bằng giấy viết tay. Việc mua bán theo hình thức này hiện không được pháp luật công nhận và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Do đó, cấp sổ đỏ cho người dân đang sử dụng là hình thức giúp cơ quan Nhà nước quản lý đất đai tốt hơn”, ông Quyền chia sẻ.

Tháo gỡ "rào cản" chính sách

Theo ông Nguyễn Phước Vĩnh, Chánh Thanh tra Sở TN-MT Đắk Nông, việc cấp sổ đỏ cho các trường hợp nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay sau 1/1/2008 được các địa phương và người dân phản ánh rất nhiều.

Qua thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đắk Nông, đã có rất nhiều vấn đề bất cập, nảy sinh tranh chấp từ các trường hợp này.

Sở TN-MT Đắk Nông đã có các văn bản kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, tháo gỡ cho các trường hợp này. Tuy nhiên, Bộ TN-MT chưa có văn bản trả lời hoặc có nhưng rất chung chung. Điều này khiến cấp cơ sở rất khó để thực hiện.

Ông Vĩnh chia sẻ: Từ bất cập thực tế, chúng tôi đề xuất cấp trên điều chỉnh. Tuy nhiên, cấp trên trả lời cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Mà quy định hiện tại chưa cho phép cấp sổ đỏ cho các trường hợp nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay sau 1/1/2008. Điều này khiến cấp cơ sở rất khó thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, có 2 vấn đề đang là “rào cản” trong quản lý, sử dụng đất đai của Đắk Glong và nhiều địa phương khác tương đồng.

Thứ nhất, cấp sổ đỏ cho các trường hợp nhận chuyển nhượng mà không có giấy tờ về đất đai sau 1/1/2008. Thứ hai, công nhận quyền sử dụng đất cho các diện tích đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý.

Việc cấp đất cho người dân sẽ góp phần "giải phóng" nguồn lực về đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế

"Đất của Đắk Glong chủ yếu có nguồn gốc nông, lâm trường. Nếu vướng 2 "rào cản" này thì sẽ có trên 80% diện tích đất địa phương đang quản lý nhưng không thể cấp sổ cho người dân", ông Hợp chia sẻ.

Ông Hợp cho rằng đây là “rào cản” về chính sách pháp luật nên phải gỡ từ chính nó. Cụ thể, cần phải có sự sửa đổi từ chính Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Luật Ðất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, gồm 14 chương với 212 điều. Hiện toàn văn Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đang công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến góp ý. Dự thảo có 16 chương, 237 điều. So với Luật Ðất đai 2013, dự thảo sửa đổi, bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Cụ thể, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung vào Điều 115 của Luật Đất đai (sửa đổi) một số nội dung. Trong đó, Nhà nước nên xem xét cấp sổ đỏ cho những trường hợp đất lấn, chiếm đất có nguồn gốc từ nông lâm trường, nhưng đã bàn giao về cho địa phương quản lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, Luật cần quy định thêm 1 khoản về đối tượng nhận chuyển nhượng sau 1/1/2008.

“Chúng ta có luật của Quốc hội ở trên, nghị định của Chính phủ ở dưới hướng dẫn thi hành. Mà luật đã “khóa” nội dung nào đó thì chắc chắn nghị định không dám “mở”.

Do đó, chúng tôi rất muốn góp ý bổ sung, sửa đổi ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Khi luật được thông qua, có điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết bằng nghị định thì sẽ gỡ được “rào cản” này”, ông Hợp phân tích.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã có nhiều ý kiến đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa một số nội dung. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất bổ sung vào Luật các nội dung để tháo gỡ 2 “rào cản” nêu trên.

Theo ông Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, cấp bách, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Qua việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Trong đó, 2 nội dung liên quan tới việc cấp sổ đỏ nêu trên được rất nhiều sở, ngành, địa phương quan tâm.

“Chúng tôi sẽ tổng hợp và chắt lọc lại các nội dung này để có những ý kiến đóng góp chất lượng cho Quốc hội”, ông Mai cho hay.

Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) quy định và Chính phủ có nghị định hướng dẫn chi tiết thì sẽ gỡ được vấn đề cấp sổ ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Khi đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở Tây Nguyên sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Các tỉnh Tây Nguyên sẽ có cơ hội để "giải phóng" mạnh mẽ nguồn lực về đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, vượt khó vươn lên cùng cả nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần gỡ khó trong cấp sổ đỏ (kỳ 3): "Cởi trói" để phù hợp với thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO