Cần “cú hích” mạnh hơn trong xây dựng xã NTM nâng cao
Những xã đã đạt chuẩn các tiêu chí về NTM đang tiếp tục với những mục tiêu mới, với yêu cầu cao hơn, khó khăn hơn trên lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Mới hơn từ nông thôn mới
Với hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thời gian qua đã được Đắk Nông đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện cả về cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực.
Đến nay, Đắk Nông đã có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 58,3%. Bình quân toàn tỉnh, mỗi xã đạt 16,58 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong đó có 36 xã đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 68,3%; 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 10%; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 31,7.
Riêng TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Toàn tỉnh có 2/7 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Như vậy, với việc triển thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian qua đã có tác động rất lớn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh đã đề ra. Quan trọng hơn, bằng việc tập trung nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, phát huy nội lực của người dân, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.
Trong thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công, hiến đất đai, hoa màu…quy đổi thành tiền được hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Ngoài ra, người dân tự bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, giúp đỡ nhau về phát triển kinh tế, phát triển sản xuất…góp phần giúp cho các địa phương thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định.
Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp ngày càng khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. Kinh tế nông thôn có bước tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn cũng từ đó được nâng cao. Nhiều mô hình hay, sáng kiến tốt đã ra đời, phát huy tác dụng trong đời sống sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh.
Giai đoạn mới, thách thức mới
Ngoài những kết quả đạt được, trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 cũng đang gặp những khó khăn, thách thức, nhất là đối với xã xây dựng NTM nâng cao.
Trong 36 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, hiện mới chỉ có 1 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Các xã còn lại, khoảng cách đến mục tiêu này còn khá xa, nhiều xã không đạt mục tiêu, kế hoạch trên lộ trình đề ra về xây dựng NTM nâng cao.
Trong năm 2023, Đắk Nông đặt ra mục tiêu tăng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và tăng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá, cả 2 mục tiêu này rất khó đạt.
Đơn cử như xã Nam Dong (Cư Jút), đến nay mới đạt 9/19 tiêu chí NTM nâng cao, còn 10 tiêu chí chưa đạt. Đối với xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), đến nay chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM nâng cao, còn 14 tiêu chí chưa đạt. Xã Đức Minh (Đắk Mil) được đánh giá là nhiều triển vọng hơn nhưng cũng khó về đích NTM nâng cao trong năm 2023. Hiện xã đã đạt 15/19 tiêu chí; còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: tiêu chí số 6 về văn hóa, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí số 14 về y tế.
Nguyên nhân trước hết là mức độ đạt chuẩn của các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi rất khắt khe. Các bộ tiêu chí đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức mức độ đạt chuẩn, nhất là Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, nhiều xã đạt chuẩn NTM hiện nay đang phải tập trung nguồn lực để “chuẩn hóa” các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí mới để tránh tình trạng “rớt hạng”. Vì vậy, nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao rất hạn chế. Một số chương trình, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm…
Chưa kể đến, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn.
Nói cách khác, Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn trước nên nhiều địa phương sẽ có điều kiện bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu thiết kế chương trình, đòi hỏi các địa phương phải có nguồn lực đầu tư đồng bộ trên cơ sở nền tảng sẵn có. Một khó khăn đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh đó là xuất phát điểm rất thấp; tính ổn định dân cư một số khu vực còn hạn chế nên cần nguồn lực đầu tư lớn và dài hơi. Vì vậy, cần những cú hích mạnh hơn về quyết tâm, sự đồng lòng của toàn dân trong xây dựng NTM nâng cao.
Ngoài việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, triển khai đồng bộ, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, việc phát huy tính sáng tạo trong xây dựng NTM ở mỗi địa phương trong giai đoạn này là rất cần thiết. Tùy vào điều kiện, đặc trưng thế mạnh của mỗi xã, cần có hướng đi phù hợp trong khai thác nguồn lực như huy động sức dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh tế, du lịch, văn hóa…
Suy cho cùng, xây dựng NTM nói chung, NTM nâng cao cũng nhằm mục đích xây dựng một môi trường sống khu vực nông thôn ngày một nâng cao cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Xây dựng một môi trường sống nông thôn với hướng không gian mở, tăng tính cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết, giá trị văn hóa truyền thống…