Cần có phương án xử lý an toàn đường điện cao thế đi qua nhiều khu vực dân cư ở Đắk Mil

Phan Tuấn| 01/06/2015 13:50

Đường dây điện cao thế (dây trần) đi ngang qua phần đất, trên mái nhà dân chỉ chưa đầy 1,5m, đó là tình trạng đang diễn ra ở thôn Thuận Sơn, xã Thuận An (Đắk Mil), gây cho người dân rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất.

ADQuảng cáo

Đường điện cao thế chạy qua đất đai của nhiều hộ gia đình ở xã Thuận An

Hộ ông Nguyễn Hữu Thịnh, sinh sống ở đây từ năm 1990, khi đó khu vực này chưa có điện mà chỉ sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Đến năm 1996, khi thi công đường điện cao thế kéo vào Công ty Cà phê Thuận An thì đường điện này đi qua đất của nhà ông.

Để hạn chế dựng trụ điện trên diện tích đất của người dân, đơn vị thi công đã kéo dài khoảng cách giữa hai trụ điện lên đến hơn cả trăm mét, nên đường dây điện chạy lơ lửng trên không, có đoạn chùng gần mặt đất rất nguy hiểm. Vì vậy, việc sản xuất, thậm chí xây dựng nhà cửa của gia đình ông Thịnh gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể như mới đây, khi ông đang làm mái hiên cho ngôi nhà của mình thì nhân viên của Chi nhánh Điện lực Đắk Mil đến lập biên bản, yêu cầu phải dừng thi công và tháo dỡ công trình để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Tương tự, bà Võ Thị Lan ở thôn Thuận Sơn cũng khẳng định, phần diện tích đất đai của gia đình mà đường dây điện cao thế đang chạy qua đã được cấp “sổ đỏ”. Hàng năm, gia đình bà đều có đóng thuế sử dụng đất theo quy định, nhưng lại không có quyền sử dụng là điều hết sức phi lý.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Đắk Mil cho biết: “Chi nhánh chỉ tiếp nhận đường dây điện từ các hợp tác xã, nông - lâm trường trước đây bàn giao lại và hiện chỉ có chức năng quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Còn việc giải quyết khiếu nại của người dân là nằm ngoài thẩm quyền của đơn vị”.

Theo ông Sơn thì tình trạng đường dây điện đi qua đất, vườn cây nhà dân là  khá phổ biến và chủ yếu xảy ra ở các xã: Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây, đường điện chủ yếu là do các hợp tác xã, nông - lâm trường kéo điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhưng lại không có sự bàn bạc thống nhất với người dân. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa hoặc sản xuất thì lại ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường điện.

Về phía Chi nhánh Điện lực Đắk Mil cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân làm đơn kiến nghị di dời đường dây điện ra khỏi khu vực đất của mình. Tuy nhiên, việc di dời đường dây điện không phải là chuyện dễ dàng mà phải lập dự án và đảm bảo các yêu cầu về nguồn vốn, mặt bằng, kỹ thuật thì mới có thể thực hiện được.

Có thể nói, tình trạng đường dây điện cao thế đi qua đất từ nhiều năm nay đã khiến cho người dân chịu không ít thiệt thòi trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Trước thực tế trên, chính quyền, các cơ quan chức năng cần có phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi, cũng như sự an toàn cho người dân.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có phương án xử lý an toàn đường điện cao thế đi qua nhiều khu vực dân cư ở Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO