Chị H.T.H ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có con trai 5 tuổi bị chó cắn chia sẻ: "Ngay sau khi phát hiện con bị chó cắn, cùng với xử lý vết thương, theo dõi sát tình trạng của chó, gia đình đã nhanh chóng đưa con đi tiêm phòng dại mong là con sẽ không bị ảnh hưởng”.
Trường hợp bị chó cắn như con chị H không phải là hiếm, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.156 trường hợp đi tiêm phòng dại do bị chó mèo cắn, cào; trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ phơi nhiễm với bệnh dại tăng 1,05% và tỷ lệ từ vong tăng 28,5%.
Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh và đỉnh điểm thường là vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Khi đã nhiễm vi rút dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa, với tỷ lệ tử vong 100%.
Cần đi tiêm vắc xin kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cào cắn |
Giải pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại hoặc nghi dại cắn là tiêm vắc xin phòng dại hoặc huyết thanh phòng dại càng sớm càng tốt. Theo đó, người dân ngay sau khi bị chó mèo cắn, cào cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút hoặc sử dụng các chế phẩm sát trùng như: cồn trắng, oxy già. “Người bị chó mèo cáo cắn, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc” Bác sĩ Đặng Thành nhấn mạnh.
Cũng theo khuyến cáo của Bác sĩ Thành thì đối với vắc xin phòng bệnh dại, mỗi người nếu bị chó, mèo cắn, cào cần tiêm 5 mũi. Tùy tình trạng vết cắn, cào; có thể chỉ cần tiêm vắc xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại. Hiện nay, vắc xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều”.
Nhận định nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc dại mới trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Do đó, người dân cần tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo; không thả rông vật nuôi, không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại.
Y tế cơ sở cần phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng, chú trọng những nội dung khuyến cáo về tiêm vắc xin phòng dại hàng năm cho động vật nuôi và tiêm phòng vắc xin kháng dại kịp thời, đủ liều khi bị chó, mèo cào cắn.