Trung ương, tỉnh, huyện triển khai chủ trương, chính sách gì thì cơ sở phải thực thi chủ trương, chính sách đó đến với từng thôn, buôn và người dân. Cơ sở chính là nơi thể hiện chủ trương, chính sách vào cuộc sống một cách sinh động và rõ ràng nhất. Hiệu quả mang lại từ các chủ trương, dự án, các chương trình mục tiêu có cao hay không, phần lớn là nhờ sự năng động, thạo việc, tâm huyết của bộ máy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ở đâu mà cán bộ năng lực kém, thiếu tấm lòng với dân, thiếu sự đồng thuận, thiếu trách nhiệm với công việc chung thì ở đó đời sống kinh tế-xã hội sẽ thấp, phong trào sẽ xuống. Còn bộ máy chính quyền, đoàn thể mạnh với đội ngũ cán bộ có chất lượng thì sẽ góp phần tích cực trong việc đưa địa phương khởi sắc, đi lên. Trong đó, văn hóa-xã hội là một lĩnh vực hoạt động quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội cơ sở, và phong trào, đời sống văn hóa-xã hội ở địa bàn dân cư cũng phụ thuộc khá nhiều vào những cán bộ văn hóa xã.
Làm cán bộ văn hóa xã là làm những việc gì? Họ làm nhiều “vai” lắm. Người thì ít mà khối lượng công việc không nhỏ. Có thể liệt kê về những công việc chính mà cán bộ văn hóa-xã hội xã phải lo: Các chương trình, dự án; lĩnh vực y tế-giáo dục; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; các trạm thu phát sóng viễn thông trên địa bàn; trạm truyền thanh xã; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; rồi công tác xóa đói, giảm nghèo, tôn giáo-tín ngưỡng; rồi phối hợp liên ngành trong các cuộc thanh tra, kiểm tra các dịch vụ, hoạt động văn hóa trên địa bàn xã… Những dịp lễ lớn, những ngày diễn ra các sự kiện chính trị của địa phương hay cần phải tuyên truyền, vận động các nhiệm vụ mang tính cấp bách, cán bộ “quay như chong chóng”.
Cán bộ văn hóa xã là những người sát với cơ sở, lăn lộn trong thực tế và luôn luôn bận rộn nếu thực hiện đầy đủ các chức trách của mình. Đối với cán bộ văn hóa xã ở địa bàn Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn hơn nhiều so với đồng nghiệp ở vùng đồng bằng vì điều kiện hoạt động, vì địa bàn cách trở, vì đời sống và dân trí trong đồng bào chưa cao và không đồng đều…
Và một điều nữa, thu nhập của cán bộ văn hóa xã quá thấp. Với hệ số lương công chức cấp xã cộng thêm phần trăm phụ cấp khu vực mà mỗi tháng, trừ các khoản đóng góp và bảo hiểm, họ cũng chỉ được nhận về ba, bốn triệu đồng. Một cán bộ nói với tôi, có ngày đi công tác trong địa bàn xã đã hết mấy chục ngàn tiền xăng, nếu không có mảnh vườn, chuồng gà “hậu phương”, với khoản thu nhập ấy, thật sự họ khó mà đắp đổi đủ cho cuộc sống.