Cán bộ, công chức Đắk Nông sẵn sàng tâm thế sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tác động đến lợi ích cá nhân của nhiều cán bộ, công chức ở Đắk Nông nhưng phần lớn họ vẫn giữ vững tinh thần, đặt lợi ích chung lên trên hết để ủng hộ chủ trương này.
Đả thông tư tưởng, yên tâm làm việc
Chị Huỳnh Thị Ngọc Dung, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tuy Đức cho biết, chị từng rất lo lắng, thất vọng vì chính quyền cấp huyện dừng hoạt động.
“Hôm nghe thông báo bỏ cấp huyện, thú thật là tôi choáng váng. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, có thể mình không còn được làm việc trong cơ quan Nhà nước nữa", chị Dung chia sẻ.

Thế nhưng, theo chị Dung, sau khi được phổ biến nghị quyết, được quán triệt tư tưởng, chị nhận ra việc bỏ cấp huyện là một bước tiến lớn để xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bỏ cấp huyện nhưng phần lớn cán bộ, công chức vẫn được bảo đảm công việc. Do đó, chị dần lấy lại tinh thần và yên tâm công tác. Giờ đây, thời gian của cấp huyện không còn nhiều, nhưng chị vẫn tận tâm, tận lực với công việc.
"Tổ chức sẽ có sự bố trí, sắp xếp phù hợp. Dù ở vị trí nào, mình cũng lạc quan, vui vẻ, cố gắng thích nghi, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao", chị Dung chia sẻ.
Cũng như chị Dung, nhiều cán bộ, công chức ở Đắk Nông có giai đoạn rất nao núng, hụt hẫng vì cơ quan, đơn vị công tác nằm trong diện sắp xếp, tinh gọn.
.jpg)
Nhiều người phải chuyển sang vị trí công tác khác, kém thuận lợi hơn. Thế nhưng, vượt lên những điều đó, họ nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình trong thời kỳ đổi mới nên đã sớm ổn định tâm lý, tư tưởng và tập trung vào nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông cho biết: "Sắp tới cơ quan tôi sẽ có sự xáo trộn lớn do sáp nhập, tôi có thể chuyển vị trí công tác. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, việc thay đổi hiện này là yêu cầu bắt buộc để đất nước phát triển hơn nên chấp nhận mọi sự phân công, sắp xếp".
Thời gian qua, Đắk Nông đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức nhiều hội nghị, đợt sinh hoạt để cán bộ, công chức nhận thức rõ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
.jpg)
Việc đánh giá, sắp xếp lại vị trí việc làm, công việc của cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Điều này, giúp tỉnh nhanh chóng ổn định được tâm lý, tư tưởng của cán bộ, công chức.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra ngày 27/3/2025, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ có những tác động đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, tất cả phải đoàn kết, thống nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.
Bí thứ Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương phải quan tâm, rà soát chất lượng cán bộ để thực hiện bố trí nhiệm vụ sau sắp xếp. Việc đánh giá, sắp xếp vị trí, việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể...
.jpg)
Qua đánh giá của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ, công chức Đắk Nông đã có sự chuyển biến tích cực về tư tưởng và hành động trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Điều này không phải đến từ mệnh lệnh hành chính mà từ quá trình xây dựng nhận thức và khơi dậy tinh thần đổi mới của tỉnh. Minh chứng rõ ràng nhất là hơn 97% cử tri tỉnh Đắk Nông đồng thuận chủ trương sáp nhập với tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng sau cuộc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh diễn ra vừa qua.
Lạc quan với tương lai
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng hầu hết cán bộ, đảng viên ở Đắk Nông vẫn tin tưởng, lạc quan về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Nhiều người tin rằng, Đắk Nông sáp nhập với Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ mở ra cơ hội lớn để khai thác tiềm năng, rút ngắn khoảng cách phát triển, đồng thời tận dụng thế mạnh về tài chính, hạ tầng, du lịch, công nghiệp...
.jpg)
Lâm Đồng và Bình Thuận đều là những tỉnh có quy mô kinh tế và thu ngân sách mạnh trong khu vực. Năm 2024, GRDP của Lâm Đồng đạt khoảng 95.000 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 14.000 tỷ đồng.
Năm 2024, Bình Thuận có GRDP hơn 80.000 tỷ đồng, thu ngân sách trên 10.500 tỷ đồng. Trong khi đó, Đắk Nông mới đạt GRDP khoảng 22.000 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng.
Lâm Đồng và Bình Thuận đang có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhanh. Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (đang thi công) sẽ kết nối trực tiếp Lâm Đồng với TP.HCM. Bình Thuận đã có cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, sân bay Phan Thiết chuẩn bị vận hành và hệ thống cảng biển.
Sáp nhập vào không gian chung này, Đắk Nông sẽ dễ dàng kết nối hàng hóa nông sản, khoáng sản tới cảng biển, sân bay, các trung tâm tiêu thụ lớn mà không còn cảnh bị cô lập địa hình.
.jpg)
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành kết hợp cùng hệ thống đường liên vùng Lâm Đồng – Bình Thuận sẽ hình thành mạng lưới vận tải thông suốt, giúp Đắk Nông nâng cao sức cạnh tranh thương mại, logistics.
Đắk Nông sở hữu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cùng nhiều cảnh quan đẹp và văn hóa các dân tộc độc đáo. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của tỉnh hiện còn manh mún, thiếu sản phẩm lớn.
Trong khi, Lâm Đồng đã phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp (Đà Lạt, Lạc Dương), còn Bình Thuận nổi tiếng với du lịch biển, thể thao mạo hiểm. Sự liên kết du lịch giữa 3 địa phương sẽ tạo ra các tuyến du lịch đặc sắc.
Đắk Nông có thế mạnh bô xít và alumin với tổ hợp Nhân Cơ (công suất 650.000 tấn/năm). Sau khi sáp nhập, Đắk Nông cùng Lâm Đồng(có tổ hợp bô xít Tân Rai), mở rộng chuỗi công nghiệp nhôm trong vùng...
.jpg)
Sau khi sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận, tỉnh mới sẽ có tiềm lực mạnh mẽ, quy mô GDP đứng vào nhóm đầu cả nước. Cụ thể, tổng GRDP của tỉnh mới vào khoảng 200.000 tỷ đồng, thu ngân sách trên 27.000 tỷ đồng mỗi năm.
Điều này tạo tiền đề vững chắc để tỉnh mới nâng cao hiệu quả chăm lo đời sống Nhân dân, đầu tư mạnh vào y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở.
Đồng thời, thu nhập, chế độ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng sẽ có điều kiện được cải thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại...
Theo Sở Nội vụ, Đắk Nông hiện có 16.265 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện là 1.696 người; viên chức là 13.117 người; cán bộ, công chức cấp xã là 1.452 người.