Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình, văn phòng và tòa nhà năm 2025 (Hình từ Internet)
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công đã biên soạn Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình và Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - công nghiệp - tòa nhà.
1. Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình
Sau đây là một số nội dung tại Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình được biên soạn năm 2025 nhằm giúp các hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả, giảm chi phí, và góp phần bảo vệ môi trường.
* Tại sao phải tiết kiệm điện?
Trong cuộc sống hiện đại, điện năng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động của con người, từ sinh hoạt gia đình cho đến sản xuất - hàng hoá - dịch vụ. Tuy nhiên, việc sử dụng điện một cách lãng phí không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, tiết kiệm điện là một việc làm vô cùng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
- Tiết kiệm chi phí sinh hoạt: Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chúng ta cần tiết kiệm điện là giảm bớt chi phí sinh hoạt hàng tháng. Trong bối cảnh giá điện không ngừng tăng, hóa đơn tiền điện là một khoản chi tiêu đáng kể trong gia đình. Nếu không chú ý, việc sử dụng điện quá mức sẽ khiến chi phí này tăng cao, đặc biệt là khi sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn như điều hòa, máy sưởi, tủ lạnh hay máy giặt. Việc sử dụng điện tiết kiệm giúp giảm thiểu chi phí, góp phần ổn định tài chính cho các hộ gia đình.
- Bảo vệ môi trường: Trên thế giới, điện chủ yếu được sản xuất từ các nguồn năng lượng không tái tạo như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Tại Việt Nam, điện phần lớn được sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (không tái tạo). Sử dụng lãng phí điện năng dẫn đến việc khai thác, tiêu thụ các nguồn tài nguyên này tăng lên, gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện cũng thải ra lượng lớn khí nhà kính, làm tăng hiệu ứng nhà kính và tác động xấu vào quá trình biến đổi khí hậu. Khi sử dụng điện tiết kiệm, chúng ta sẽ giảm bớt nhu cầu về năng lượng từ các nguồn này, giúp bảo vệ môi trường sống và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với khí hậu toàn cầu.
- Giảm tải cho hệ thống điện quốc gia: Sử dụng điện tiết kiệm không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn giúp giảm tải cho hệ thống điện quốc gia. Trong những thời điểm cao điểm như mùa hè nóng bức, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, dễ gây ra tình trạng quá tải và có thể dẫn đến cắt điện, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Khi mỗi người dân tiết kiệm điện, tổng lượng điện tiêu thụ sẽ giảm, giúp hệ thống điện vận hành ổn định hơn, tránh được tình trạng mất điện bất ngờ và đảm bảo nguồn cung điện.
- Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: Việc tiết kiệm điện còn góp phần khuyến khích sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Các nguồn năng lượng này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
- Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Năng lượng là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Khi việc sử dụng điện được tiết kiệm, quốc gia có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác. Điều này giúp tăng cường an ninh năng lượng, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.
- Xây dựng ý thức cộng đồng và bảo vệ tài nguyên cho thế hệ tương lai: Tiết kiệm điện không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Khi mỗi cá nhân, gia đình hoặc tổ chức đều có ý thức tiết kiệm điện, sẽ tạo thành một thói quen và văn hóa chung trong xã hội. Đồng thời, việc sử dụng điện tiết kiệm giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện cho các thế hệ sau có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách bền vững.
* Nhãn năng lượng là gì?
Lợi ích của việc dán nhãn năng lượng Nhãn năng lượng là một loại nhãn dán trên thiết bị điện, cung cấp các thông tin chỉ số, mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó. Từ nhãn năng lượng, người dùng có thể đánh giá khả năng tiết kiệm năng lượng của thiết bị, giúp người dùng có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao và tốn ít điện năng.
Từ năm 2011, thực hiện Quyết định 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9/2011 Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, việc dán nhãn năng lượng đã chuyển sang bắt buộc đối với một số danh mục sản phẩm được quy định.
Việc dán nhãn năng lượng giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm hiệu suất sao, tiết kiệm năng lượng.
>> Xem chi tiết Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình tại đây:
2. Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - công nghiệp - tòa nhà
Sau đây là một số nội dung tại Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - công nghiệp - tòa nhà được cập nhật năm 2025, do Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công biên soạn. Cẩm nang nhằm cung cấp những giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cho đối tượng là các tòa nhà, các doanh nghiệp, công ty, cơ quan công sở.
* Các hệ thống điện trong công nghiệp
Hệ thống lưới điện trung thế (22 kV, 35 kV,…) được sử dụng để cấp điện cho các trạm biến áp (TBA). Các TBA sau đó được biến đổi từ cấp điện áp trung thế xuống cấp điện áp phù hợp cấp điện cho các cơ sở, các máy móc thiết bị trong nhà xưởng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh;
Hệ thống tủ điện phân phối: Đây là một phần của hệ thống điện được thiết kế, lắp đặt trong các công trình công nghiệp, dân dụng hoặc các khu vực sản xuất. Hệ thống tủ điện (DP) này có chức năng nhận, phân phối và điều khiển điện năng từ tủ nguồn cấp chính (hay còn gọi là tủ điện tổng MSB) đến các thiết bị sử dụng trong hệ thống. Tủ điện phân phối giúp bảo vệ các thiết bị khỏi sự cố như quá tải, ngắn mạch, đồng thời đảm bảo việc vận hành an toàn và ổn định của hệ thống điện;
Hệ thống tủ điện thiết bị công nghiệp: Là hệ thống tủ điện điều khiển được thiết kế để điều chỉnh bật, tắt nguồn điện cho các thiết bị điện công nghiệp. Để đảm bảo an toàn và bảo vệ cho các máy móc thiết bị, các thiết bị lắp đặt bên trong các tủ này bao gồm: Ampe kế, Volt kế, công tắc tơ, rơle, cầu chì, aptomat…
Hệ thống thiết bị công nghiệp: Đây là bộ phận cốt lõi của các nhà máy, nhà xưởng, bao gồm các trang thiết bị máy móc, thiết bị tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và kinh doanh của các cơ sở.
* Giải pháp vận hành tối ưu hệ thống điện
- Sử dụng thiết bị hiệu suất cao
Cải tiến thiết bị điện: Lựa chọn các thiết bị điện như động cơ, máy phát điện, máy biến áp có hiệu suất cao, giảm hao phí năng lượng;
Sử dụng đèn LED và các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng: Giảm lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả chiếu sáng.
- Giám sát và điều khiển tự động
Hệ thống SCADA/hệ thống BMS: Hệ thống giám sát và điều khiển từ xa giúp theo dõi liên tục các thông số của hệ thống điện như điện áp, dòng điện, tần số và tình trạng của các thiết bị, giúp kịp thời phát hiện sự cố và điều chỉnh vận hành;
Tự động hóa: Sử dụng các bộ điều khiển tự động để điều chỉnh các thông số hoạt động của hệ thống điện sao cho tối ưu nhất, như điều chỉnh tải, bảo vệ quá tải và ngắn mạch.
- Điều chỉnh phụ tải hợp lý
Quản lý phụ tải: Phân phối tải hợp lý giữa các thiết bị, ưu tiên cung cấp điện cho các tải quan trọng trong khi giảm bớt hoặc tạm ngừng cung cấp cho các thiết bị không cần thiết trong các giờ cao điểm;
Sử dụng thiết bị lưu trữ năng lượng: Các hệ thống pin lưu trữ năng lượng hoặc các loại bình ắc quy có thể giúp tích trữ năng lượng vào những giờ thấp điểm và sử dụng vào những giờ cao điểm, giúp giảm chi phí điện năng.
- Cải thiện chất lượng điện năng
Bộ điều chỉnh điện áp: Đảm bảo điện áp luôn ổn định, không quá cao hoặc quá thấp so với yêu cầu, giúp bảo vệ thiết bị điện khỏi hư hỏng và tăng tuổi thọ;
Bộ lọc hài: Các bộ lọc hài giúp loại bỏ các sóng hài trong hệ thống, đảm bảo dòng điện không bị biến dạng, từ đó giảm tổn thất năng lượng và bảo vệ thiết bị;
Lắp đặt hệ thống tụ bù để nâng cao hệ số công suất (cos φ) của phụ tải;
Lắp đặt các thiết bị đo đếm điện năng để theo dõi công suất tác dụng (P), công suất phản kháng (Q).
- Bảo trì và kiểm tra định kỳ
Kiểm tra thường xuyên: Thực hiện bảo trì, kiểm tra các thiết bị định kỳ để phát hiện sớm các sự cố, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động và kéo dài tuổi thọ hệ thống;
Lập kế hoạch bảo trì chủ động: Phát hiện và sửa chữa sự cố trước khi chúng gây ra hư hỏng nặng, giảm thiểu chi phí sửa chữa và thay thế thiết bị.
- Tối ưu hóa lưới điện phân phối
Chuyển đổi và phân phối lại nguồn điện: Thiết kế lưới điện sao cho điện năng được phân phối hợp lý từ các TBA đến các phụ tải, giảm tổn thất trên đường truyền;
Cải thiện việc dự báo phụ tải: Sử dụng các phương pháp dự báo phụ tải chính xác để quản lý hiệu quả hơn việc phân phối và sử dụng điện năng, đặc biệt là trong các khu vực có mức tiêu thụ biến động lớn.
- Kết hợp và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo
Năng lượng mặt trời, gió: Tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống và giảm chi phí năng lượng trong dài hạn;
Sử dụng nguồn điện kết hợp: Kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo và truyền thống để đạt được sự ổn định và tối ưu trong vận hành.
>> Xem chi tiết tại đây Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - công nghiệp - tòa nhà: