Ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có Công điện số 15/CĐ-UBND gửi: Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi về việc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 1 năm 2023.
Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 03/CĐ-BCH hồi 18 giờ ngày 15/7/2023 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn của tỉnh, trung ương để cập nhật và thông tin kịp thời diễn biến cơn bão.
Hai là, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; Hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7/2023.
Cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17/7/2023.
Cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7/2023 đến khi có tin bão cuối cùng; Có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Hoãn các cuộc họp chưa cấp bách tập trung phòng chống bão số 1
Ba là, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung vào phòng chống bão.
Bốn là, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin kịp thời tới mọi người dân về diễn biến của bão, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão.
Phối hợp chặt chẽ với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, đồng thời có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh.
Có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão.
Tổ chức kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn, đặc biệt đối với tuyến đê biển, các công tình đang thi công, có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở.
Triển khai việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở; tháo dỡ biển quảng cáo; cắt tỉa cành cây để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị.
Ủy ban nhân dân các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có phương án kế hoạch cụ thể di dời dân để phòng chống bão.
Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định có phương án di dời dân tại các khu nhà nguy hiểm.
Bảo đảm an toàn lưới điện
Năm là, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai ngay các phương án xử lý giờ đầu đối với những đoạn đê, kè xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở. Nắm chắc tình hình mưa bão, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Sáu là, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tổ chức tiêu rút nước ruộng trên toàn hệ thống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa úng, ngập.
Bẩy là, Công ty Điện lực Nam Định có kế hoạch kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng chống bão và phục vụ sản xuất.
Tám là, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể các chủ đò phà vượt sông trong việc đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện.
Chín là, các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động triển khai các phương án phòng chống bão theo quy định.
Mười là, các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án công trình đang thi công chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn người, phương tiện và công trình, yêu cầu tuyệt đối an toàn với người, phương tiện và hệ thống đê, kè của tỉnh.
Mười một là, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống ngay địa bàn được phân công, phối hợp với các huyện, thành phố Nam Định triển khai chống bão.
Mười hai là, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua số điện thoại 02283.649.217, fax 02283.646.779, email: qldnd2012@gmail .com)./.