Giáo dục - Đào tạo

Cấm Atlat trong phòng thi, môn Địa lý sẽ không dễ ăn điểm?

Nguyễn Hiền 31/03/2025 05:30

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đánh dấu một thay đổi quan trọng khi học sinh không còn được mang Atlat Địa lý vào phòng thi. Quy định này đặt ra những thách thức và mở ra cơ hội cho học sinh phát triển tư duy và khả năng tự học.

Không được mang Atlat vào phòng thi

Theo quy định mới, học sinh sẽ không còn được phép mang Atlat Địa lý vào phòng thi, ngoại trừ những thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 thi đề riêng. Sự thay đổi này khiến nhiều học sinh không khỏi lo lắng, bởi từ lâu, Atlat đã được coi là "công cụ hỗ trợ không thể thiếu" khi làm bài môn Địa lý.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh sẽ không được mang Atlat vào phòng thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh sẽ không được mang Atlat vào phòng thi

Theo thầy giáo Nguyễn Công Hoàng, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, môn Địa lý sẽ không còn các câu hỏi liên quan đến Atlat, mà thay thế bằng ba dạng câu hỏi chính: trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (18 câu), trắc nghiệm đúng sai (4 câu) và trắc nghiệm trả lời ngắn (6 câu).

Ngoài ra, mỗi dạng câu hỏi đều bao gồm các mức độ khác nhau: biết, hiểu, và vận dụng. Tỷ lệ giữa các mức độ này trong toàn bộ đề thi sẽ là 40% cho câu hỏi ở mức độ biết, 30% ở mức độ hiểu và 30% cho câu hỏi vận dụng.
Cách tính điểm có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, các câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn và trả lời ngắn được tính 0,25 điểm/câu. Các câu hỏi trắc nghiệm đúng sai có giá trị điểm cao hơn, với 1 điểm/câu. Với dạng thức trắc nghiệm đúng sai, học sinh lựa chọn chính xác một ý nhận 0,1 điểm, hai ý đúng được 0,25 điểm, ba ý đúng được 0,5 điểm và đủ cả bốn ý đúng đạt 1 điểm. Cách tính điểm mới này dự báo tạo ra sự phân hóa rõ ràng hơn giữa học sinh ở các mức năng lực khác nhau.

"Cấu trúc đề thi mới giúp đánh giá chính xác các năng lực địa lý của học sinh, bao gồm năng lực nhận thức khoa học địa lý, tìm hiểu địa lý và vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn", thầy giáo Hoàng nhìn nhận.

Việc không sử dụng Atlat sẽ tạo thêm thử thách cho học sinh, nhất là với những em có học lực yếu, trung bình, khi phải ghi nhớ, hiểu sâu hơn về lý thuyết. Tuy nhiên, học sinh vẫn có thể ghi điểm tốt ở phần trắc nghiệm trả lời ngắn và các câu hỏi lý thuyết cơ bản, chiếm tới 40% điểm toàn bài. Để đạt được điểm trung bình khá, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản nhưng để đạt điểm cao (9-10), các em cần đầu tư nhiều hơn vào việc phân tích, tổng hợp, vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Đây chính là cách thức phân loại năng lực học sinh mà cấu trúc đề thi mới hướng đến.

Đòi hỏi học sinh tư duy nhiều hơn

Việc không được phép mang Atlat Địa lý vào phòng thi trong kỳ thi THPT 2025 đã khiến nhiều học sinh có những băn khoăn.

Việc không được sử dụng Atlat đòi hỏi học sinh phải tăng cường tư duy, sử dụng năng lực để đạt điểm cao
Việc không được sử dụng Atlat đòi hỏi học sinh phải tăng cường tư duy, sử dụng năng lực để đạt điểm cao

Học sinh Trần Ánh Nguyệt, lớp 12, Trường THPT Gia Nghĩa, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Ban đầu em cảm thấy áp lực vì Atlat đã quen thuộc trong các lần thi. Tuy nhiên, em hiểu rằng đây là cơ hội để phát triển tư duy phân tích và khả năng tự học. Em phải học kỹ hơn và nhớ sâu hơn các kiến thức về địa lý thay vì chỉ dựa vào Atlat”.

Học sinh Doãn Cao Minh Thúy, lớp 12A10, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil cho rằng, quá trình học, việc sử dụng Atlat chủ yếu khi vận dụng để tìm hiểu sâu nội dung. Vì vậy, việc bỏ sửa dụng Atlat trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là vấn đề quá lớn. Thay vì trước đây phải học thuộc hết thì nay đòi hỏi em vừa học thuộc một số kiến thức chủ đạo vừa học thêm các công thức mới để vận dụng tính toán”.

Với học sinh Lê Thị Huyền Phương, lớp 12A2, Trường THPT Trần Hưng Đạo, không có Atlat buộc học sinh phải tự chủ trong việc ghi nhớ các thông tin quan trọng. Do đó, sự thay đổi này là thử thách nhưng đồng thời là cơ hội giúp học sinh nâng cao khả năng tư duy, nắm vững kiến thức địa lý một cách sâu hơn.

Giúp học sinh thích ứng để tự tin

Trước sự thay đổi lớn của Kỳ thi THPT 2025, các trường học và giáo viên đã tích cực tìm kiếm những phương pháp giảng dạy tối ưu để học sinh thích nghi và tự tin hơn, ngay cả khi không còn được sử dụng Atlat Địa lý.

Thầy giáo Nguyễn Công Hoàng, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil chia sẻ: "Những năm trước, với học sinh yếu hơn, việc sử dụng Atlat giúp các em dễ đạt điểm 5-6. Tuy nhiên, việc không sử dụng Atlat trong kỳ thi năm nay sẽ khiến học sinh trung bình gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, giáo viên chúng tôi đã phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, tăng cường nắm bắt tâm tư của các em để có giải pháp thích nghi với đề thi mới. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, điều chỉnh nội dung giảng dạy, tập trung vào việc giúp học sinh hiểu rõ bản chất các quy luật địa lý và rèn luyện kỹ năng tư duy phân tích. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các bài kiểm tra không sử dụng Atlat để các em làm quen với cách phân tích dữ liệu địa lý, giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới".

Giáo viện Trường THPT THPT Trần Hưng Đạo ở huyện Đắk Mil chú trọng thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận đề thi khi không được sử dụng Atlat
Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo ở huyện Đắk Mil chú trọng thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận đề thi khi không được sử dụng Atlat

Ông Hồ Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil cho biết: “Trường ưu tiên triển khai ôn tập cho học sinh lớp 12, trong đó lưu ý những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2025. Ngoài việc không sử dụng Atlat ở môn Địa lý thì môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Trường đã chỉ đạo tổ bộ môn bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT, thường xuyên cho học sinh tiếp cận các đề thi và kiểm tra thử để học sinh làm quen và biết cách điều chỉnh việc ôn tập khi không được sử dụng Atlat hay ngữ liệu sách giáo khoa trong quá trình làm bài. Qua quá trình làm quen cấu trúc đề mới, giáo viên tăng cường hỗ trợ học sinh những phần các em còn lúng túng.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 8.000 học sinh dự thi. Đến thời điểm hiện tại, các trường THPT trong toàn tỉnh đã và đang tăng cường ôn tập, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng 6/2025.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh được mang vào phòng thi các vật dụng như bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Những vật dụng bị cấm gồm giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí, chất gây nổ, thiết bị truyền tin và các tài liệu phục vụ gian lận trong thi cử.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Cấm Atlat trong phòng thi, môn Địa lý sẽ không dễ ăn điểm?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO