Trăn trở của đại biểu Quốc hội cũng là tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của cán bộ, chiến sĩ toàn quân cùng tất cả người thân, gia đình và hàng triệu người hiểu thực tế cuộc sống, công tác, làm nhiệm vụ đặc thù, đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội.
Mặc dù Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến Quân đội, nhân dân hết lòng yêu thương, sẻ chia với Quân đội, nhưng những vất vả, gian khổ, hy sinh của bộ đội và gia đình họ, cho dù trong thời bình cũng không thể kể hết.
Không chỉ trực 24/24 giờ tại đơn vị mà bộ đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn, khắc phục các sự cố, thảm họa... trong bất kể thời gian, địa điểm, sự hiểm nguy nào. Phần lớn quân nhân cùng gia đình chịu rất nhiều thiệt thòi về tình cảm vì bộ đội thường biền biệt xa nhà, ít được gặp bố mẹ, vợ con, ngay cả khi ốm đau, hoạn nạn...
Bộ đội cũng không thể chọn nơi công tác và chọn việc nhẹ nhàng; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, luôn xông pha vào những nơi gian khổ, nguy hiểm nhất-nhiều đồng chí đã không thể trở về. Lao động của Quân đội là lao động xương máu!
Thế nhưng, thu nhập và thực tế mức sống của đội ngũ sĩ quan, QNCN, nhất là những quân nhân tuổi dưới 40, không bằng người làm nghề tự do như thợ xây, thợ mộc, thậm chí còn không bằng người đánh giày, rửa xe, bán hàng nước vỉa hè...
Thoạt nghe tưởng bộ đội "sướng vì lương cao". Nhưng hiện nay tổng lương của sĩ quan thiếu tá đã 15 năm công tác chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn (vì phải trực, làm việc 24/24 giờ tại đơn vị) và các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật thì chỉ còn gần 10 triệu đồng.
Mức thu nhập này không bằng làm thợ xây với tiền công từ 400.000 đến 500.000 đồng/8 giờ làm việc, thấp hơn cả sinh viên mới ra trường làm trong các doanh nghiệp ở gần nhà.
Thu nhập của sĩ quan cấp úy, của các đồng chí QNCN còn thấp hơn! Rất khó tránh khỏi tâm tư khi các thượng tá, đại tá đã 30 năm cống hiến, công tác xa nhà mà lương chưa bằng tân cử nhân làm việc trong các doanh nghiệp trả tiền công tương xứng với cống hiến của người lao động.
Điều không phải ai cũng biết, đó là: Ngoài tiền lương, đại đa số quân nhân không có khoản thu nhập khác, cũng không thể làm thêm, làm giúp việc nhà; đồng thời, việc công tác xa đã phát sinh rất nhiều chi phí: Đi lại, thuê người trông con nhỏ, đưa đón con đi học, gia đình làm việc gì cần đến người đàn ông cũng phải thuê; nhiều đồng chí lấy vợ xa quê còn phải thuê nhà, tiết kiệm đến lúc nghỉ hưu cũng chưa mua được mảnh đất an cư (dù pháp luật đã quy định từ lâu, nhưng sĩ quan, QNCN vẫn chưa được hưởng phụ cấp nhà ở; số được hỗ trợ về nhà ở xã hội và được mượn, thuê nhà công vụ cũng rất ít)... Phải chăng vì thế mà sĩ quan, QNCN thường vất vả và nghèo hơn bạn cùng trang lứa? Chưa kể việc bộ đội đưa vợ con đi du lịch, đi chơi thì... hiếm vô cùng!
Chính thực tế trên đã khiến nhiều sĩ quan, QNCN khó lấy vợ, số thí sinh đăng ký học các trường Quân đội ngày càng giảm, ít người giỏi có nguyện vọng vào bộ đội... Đây là điều rất đáng suy ngẫm, đáng lo, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh của Quân đội!
Vẫn biết Bộ đội Cụ Hồ luôn có phẩm chất cao đẹp là sẵn sàng cống hiến, hy sinh, vì nhân dân quên mình...
Vẫn biết Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm chăm lo cho Quân đội nói chung và đời sống của cán bộ, chiến sĩ nói riêng.
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống, thu nhập của sĩ quan, QNCN đang có nhiều khó khăn, bất cập, cần sớm giải quyết để bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời giúp các quân nhân yên tâm công tác; quan trọng hơn là tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Quân đội-nhân tố có vai trò quyết định xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy luật sinh tồn dân tộc ta từ buổi bình minh lịch sử là dựng nước đi đôi với giữ nước. Muốn giữ được nước thì phải lo giữ từ khi nước chưa nguy. Nhìn ra thế giới thì thấy, việc chăm lo quân đội, củng cố quốc phòng vừa là nhiệm vụ chiến lược, vừa là đòi hỏi cấp bách!