Pháp luật

Cai nghiện tập trung - Giải pháp quan trọng để đưa người nghiện trở về

Hoàng Thanh 28/06/2023 14:01

Quá trình cai nghiện tập trung không những giúp người nghiện từ bỏ ma túy mà còn được đào tạo nghề, có thể kiếm việc làm sau khi tái hóa nhập cộng đồng.

Học viên T.V.L (SN 1990), ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã vào cai nghiện được 6 tháng. Tại đây, anh được thầy cô thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, động viên và được làm quen với nhiều bạn cùng cảnh ngộ, nên không còn lo lắng, bỡ ngỡ.

Ngoài việc được học tập, chăm sóc sức khỏe, anh còn được tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao… Đặc biệt, anh còn được học nghề sửa chữa xe máy.

"Sau này khi trở về cộng đồng tôi sẽ mở một tiệm sửa xe máy, tự lo cho bản thân. Có công việc, tôi sẽ nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời”, anh L cho biết.

Một học viên khác cho biết, từ ngày sa vào nghiện ngập, bao nhiêu tiền làm ra anh đều sử dụng để mua ma túy. Anh đã không hề ý thức được những hậu quả khôn lường mà ma túy đã gây ra cho con người cũng như xã hội. 

Vì thế, anh đã vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 để cai nghiện. Từ khi vào cơ sở, anh được cán bộ quan tâm, chăm sóc, điều trị cắt cơn và tham gia lao động, rèn luyện sức khỏe.

Điều này đã giúp anh lấy lại thăng bằng cuộc sống. "Ước muốn của tôi là nhanh chóng cai nghiện, trở về với gia đình để làm lại cuộc đời", học viên này cho biết.

Từ năm 2004 đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (Tuy Đức) đã tiếp nhận hàng ngàn người nghiện để giáo dục, cai nghiện.

Tại cơ sở này, người nghiện được điều trị cắt cơn, chăm sóc sức khỏe; được đào tạo nghề để khi hoàn thành thời gian cai nghiện có thể tái hòa nhập cộng đồng, có cơ hội tìm kiếm việc làm. 

img_0660.-may(1).jpg
Học viên cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 học nghề may

Theo ông Nguyễn Nam Phong, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1, Đắk Nông có 70 đối tượng đang được điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở này

Hầu hết các học viên khi vào cơ sở đều chấp hành tốt nội quy, quy định. Sau thời gian hoàn thành cai nghiện, các học viên trở về địa phương và tái hòa nhập tốt với cộng đồng.

img_0694.-tu-bien(1).jpg
Học viên cai nghiện ma túy tham gia văn nghệ

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, các học viên đang được học các nghề: sửa chữa xe máy, xây dựng, công nghệ thông tin, may, điện dân dụng... Ngoài ra, những học viên không biết chữ còn được học lớp xóa mù chữ.

Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH, thời gian qua, số người nghiện ma túy được đưa vào cơ sở cai nghiện so với thực tế còn thấp. Vì vậy, tỉnh đang có nhiều nỗ lực để nâng cao số lượng người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện.

Đắk Nông hiện có 1.082 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy khác nhau, trong đó ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 75%.

Đối với người nghiện ma túy, hiện có nhiều hình thức cai nghiện như: cai nghiện tại nhà, điều trị bằng thuốc thay thế Menthadone và đưa đi cai nghiện tập trung.

Trong số các hình thức trên, cai nghiện tập trung là biện pháp hiệu quả nhất. Thế nhưng, tại Đắk Nông hiện nay chưa có cơ sở cai nghiện tập trung.

img_0615.-vn(1).jpg
Đa số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động

Do đó, tới đây UBND tỉnh sẽ làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh để nâng số lượng học viên của tỉnh vào Cơ sở cai nghiện số 1. Cụ thể, tỉnh xúc tiến để hàng năm đưa từ 150 người nghiện trở lên vào cơ sở này; trong đó có cả người nghiện dưới 18 tuổi và người nghiện nữ.

Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng một cơ sở cai nghiện tập trung của địa phương. Có được cơ sở này, công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy tại địa bàn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cai nghiện tập trung - Giải pháp quan trọng để đưa người nghiện trở về
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO