PV: Ông có thể giới thiệu khái quát về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương?
Ông Trần Đình Tuấn: Đắk Nia có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng như tuyến đường giao thông thuận tiện và kết nối với các điểm du lịch khác như Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, huyện Di Linh (Lâm Đồng), tạo nên một vòng tour du lịch thuận tiện đối với khách du lịch các vùng lân cận như TP. HCM, Đắk Lắk…
Trên địa bàn xã còn có thác Liêng Nung (điểm số 37) - điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với cấu trúc đá bazan cột độc đáo, có độ cao khoảng 30m. Thác Liêng Nung không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết hết sức hấp dẫn của đồng bào Mạ.
Mặt khác, Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ (điểm số 36) nằm trong Khu làng nghề văn hóa truyền thống Liêng Nung là nơi trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống, công cụ lao động sản xuất, đồ thủ công mỹ nghệ cũng như các loại sản phẩm làng nghề tự sản xuất ra như thổ cẩm, rượu cần, đan lát…
Đắk Nia còn là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Mạ với nền văn hóa truyền thống độc đáo như rượu cần, lễ hội, dệt thổ cẩm, đan lát… Hiện nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống đó vẫn đang được đồng bào gìn giữ phát huy. Một số vườn cây ăn trái quy mô trên địa bàn cũng rất thích hợp cho việc xây dựng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
Đồ họa: Bình Minh - Mỹ Hằng |
PV: Để phát huy những lợi thế đó, địa phương đã làm những gì để có thể xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng?
Ông Trần Đình Tuấn: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch bền vững không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị về tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi tộc người.
Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, UBND xã Đắk Nia đã từng bước triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.
Cùng với việc khuyến khích đồng bào phát huy, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Mạ, hiện tại địa phương đã thành lập 1 tổ hợp tác dệt thổ cẩm và 1 tổ hợp tác nấu rượu cần tại bon N’Jriêng. Mỗi tổ hợp tác thu hút hơn 10 thành viên tham gia và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kiến thức bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế gia đình.
Thác Liêng Nung-nơi diễn ra nhiều lễ hội quan trọng của người Mạ |
Hàng năm, bằng nguồn ngân sách và kêu gọi xã hội hóa, địa phương đều tổ chức và phục dựng lại các lễ hội quan trọng vào dịp đầu xuân như Lễ cúng sức khỏe, Lễ cúng bến nước…
Địa phương đã hợp đồng với một số bà con có trách nhiệm trông coi, bảo vệ làng nghề, các công trình phụ trợ, các nhà truyền thống, tài sản có liên quan và thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ cảnh quan tại khu vực thác Liêng Nung.
Đặc biệt, bon N’Jriêng được UBND tỉnh chọn làm bon du lịch cộng đồng điểm của tỉnh và địa phương đã thành lập 1 tổ quản lý, phân công nhiệm vụ cho các thành viên liên quan.
PV: Những khó khăn mà địa phương gặp phải trong quá trình xây dựng mô hình du lịch cộng đồng?
Ông Trần Đình Tuấn: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc xây dựng du lịch cộng đồng được lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án..., nên hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
Ẩm thực truyền thống của người Mạ ở Đắk Nia vô cùng hấp dẫn |
Tuy nhiên, việc khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại xã còn gặp những khó khăn nhất định. Xã chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù. Các sản phẩm do đồng bào Mạ tự sản xuất theo phương pháp thủ công chưa được sắc nét, giá cao, lại khó tiêu thụ như các sản phẩm thổ cẩm, đan lát…Việc sản xuất các sản phẩm trên còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa đáp ứng được nhu cầu và bảo đảm đời sống, dẫn đến người dân chưa chú trọng sản xuất, bảo tồn và phát triển du lịch.
Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương còn khó khăn, nhất là kinh phí để thực hiện trùng tu, phục dựng các lễ hội. Sản phẩm du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí chưa được đầu tư đúng tầm, quy mô nhỏ lẻ, không đồng bộ nên chưa thu hút được khách đến tham quan. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và chuyên môn chưa được đào tạo bài bản…
PV: Để phát triển du lịch cộng đồng theo đúng lộ trình, địa phương có những kế hoạch, đề xuất cụ thể ra sao?
Ông Trần Đình Tuấn: Để thực hiện tốt công tác phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng trên địa bàn xã nói riêng, ngoài việc khuyến khích người dân gìn giữ bản sắc văn hóa và tăng cường bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho nghệ nhân trong điều kiện có thể, địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ kinh phí và đầu tư hạ tầng từ cấp trên.
Đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia giữ gìn nghề dệt thổ cẩm |
Riêng thác Liêng Nung, vào mùa khô nguồn nước tại thác cạn kiệt nên cần đắp đập điều tiết nước phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây đường xuống thác Liêng Nung đã bị sạt lở nghiêm trọng rất nguy hiểm, nên địa phương đã chắn rào và cảnh báo không được xuống khu vực thác.
Vì vậy, xã rất mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm khắc phục tình trạng sạt lở để thác Liêng Nung trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!