Công nghệ

Cái khó trong chuyển đổi số ở huyện nghèo Đắk Glong

Thanh Thanh - Hoài Anh 31/10/2023 10:32

Công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cho tiến độ, chỉ tiêu thực hiện chuyển đổi số của huyện còn chậm.

Còn nhiều vùng “lõm” sóng

Đắk R’măng là một trong những địa phương còn “lõm” sóng viễn thông. Theo UBND xã Đắk R’măng, hiện nay, một số khu vực trên địa bàn xã vẫn nằm trong vùng “lõm” sóng di động và internet. Không có sóng di động, người dân không tìm hiểu, học hỏi được nhiều các mô hình sản xuất hiệu quả. Mỗi lần thông báo họp dân hoặc thông tin chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất khó khăn.

Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND xã, nhiều nơi sóng điện thoại rất chập chờn, không có sóng, có việc gì cần gấp mà người dân đi làm thì có khi phải gọi rất nhiều cuộc hoặc chờ lúc bà con đi làm về nghỉ trưa, nghỉ tối mới gọi được. Khi thôn hoặc xã có việc, bí thư, trưởng thôn phải đi đến từng nhà thông báo, nếu có việc đột xuất thì không thể xử lý nhanh, kịp thời được.

Đa số các khu vực “lõm” sóng đều là vùng sâu, vùng xa, có địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông khó khăn, mật độ dân cư thấp và nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet không lớn. Theo UBND huyện Đắk Glong, hiện các doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng trạm BTS trên toàn huyện và đang triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc xóa vùng “lõm” sóng viễn thông còn chậm theo tiến độ đề ra. Các khu vực chưa xóa “lõm” sóng gồm: Cụm 8, 9, 10, 12 xã Đắk R’măng, khu vực Nâm Sơ Ni, Đắk Nang, xã Đắk Som...

Chuyển đổi số còn chậm

chuyen-doi-so-dak-glong(1).jpg
Cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính làm việc

Trong bảng xếp hạng chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2022, huyện Đắk Glong xếp loại trung bình, đứng thứ 8 trong 8 huyện, thành phố của tỉnh. Bước sang năm 2023, huyện đã đặt ra 26 chỉ tiêu và 37 nhiệm vụ. Tính đến hết tháng 9, huyện có 8/26 chỉ tiêu đã hoàn thành (đạt 30,7%); 10/26 chỉ tiêu đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 (chiếm 38,4%); 8/26 chỉ tiêu chưa thực hiện và không có khả năng hoàn thành trong năm 2023 (chiếm 30,7%). Đối với 37 nhiệm vụ, huyện đã hoàn thành 7/37 nhiệm vụ (đạt 19%); đang triển khai 21/37 nhiệm vụ và có khả năng hoàn thành trong năm (chiếm 57%); có 9/37 đang thực hiện và có khả năng không hoàn thành trong năm 2023 (chiếm 24%).

Theo UBND huyện Đắk Glong, với sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả về kinh tế số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số, xã hội số và an toàn an ninh mạng. Đến nay, 7/7 xã đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số; 100% xã trong huyện được kết nối cáp quang đến trung tâm xã; 100% cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị đã kết nối internet băng thông rộng; 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính làm việc. Huyện thường xuyên duy trì các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội như kênh zalo OA cấp huyện; 1 fanpage facebook Đắk Glong đổi mới. 61/61 thôn, bon được phủ sóng băng rộng cố định (cáp quang FTTH), chiếm tỷ lệ 100%. 100% đơn vị, cơ quan Nhà nước trả lương qua tài khoản. Huyện đã thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…

Tuy nhiên, về căn bản, nhiệm vụ chuyển đổi số tại huyện Đắk Glong vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Trước hết về kinh phí, hầu hết các đơn vị chưa được bố trí kinh phí. Đối với những nhiệm vụ chuyển đổi số đã được bố trí kinh phí thì việc triển khai cũng đang bị chậm, không bảo đảm tiến độ đề ra, do phải có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Về nguồn nhân lực tham mưu quản lý Nhà nước, triển khai chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu và còn hạn chế về năng lực. Trong khi chưa thu hút được nguồn nhân lực trình độ công nghệ thông tin thì nhân lực an toàn thông tin mạng hiện tại của huyện chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các đơn vị, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Hiện tại, 100% các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin trong hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước là rất lớn.

Nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số chưa kịp thời. Các tổ công nghệ số cộng đồng chưa phát huy được vai trò. Nhiều thành viên trong tổ điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa tự trang bị cho mình các thiết bị thông minh. Ngoài ra, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nên các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động trên tinh thần tự nguyện.

chuyen-doi-so-dak-glong(1).jpg
Đắk Glong tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao xã hội số của người dân

Địa phương lại có hơn 70% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên kỹ năng số của người dân còn chưa cao, việc tiếp cận các thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến, đọc sách trực tuyến còn thấp. Người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là bộ phận một cửa còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt nhất cho triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành là điều kiện cần để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, hầu hết các ngành chưa xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực... Ngoài ra, việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa được nâng cấp, chưa bảo đảm các chức năng, tính năng yêu cầu theo quy định...

Nguyên nhân thực hiện chuyển đổi số ở Đắk Glong còn khó khăn là do điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện hạn chế. Người đứng đầu 1 số cơ quan, phòng, ban đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Công tác phối hợp thực hiện giữa các phòng, ban đơn vị, địa phương chưa nhịp nhàng...

Để nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số của huyện Đắk Glong trong năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND huyện Đắk Glong yêu cầu các phòng, ban đơn vị, địa phương, trước hết là người đứng đầu cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, từ đó đề ra những giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cái khó trong chuyển đổi số ở huyện nghèo Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO