Cái khó cần tháo gỡ của doanh nghiệp công nghiệp Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Hiện trạng và thách thức
Tính chung quý I năm 2023, Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) của Đắk Nông tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,78%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,58%; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 5,84%...
Riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước giảm 2,15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài. Các doanh nghiệp điện gió vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa có bảng giá điện.
Điều đáng nói, công nghiệp chế biến, chế tạo lâu nay được đánh giá là thế mạnh của tỉnh. Mặc dù tăng về chỉ số sản xuất, nhưng chỉ số tiêu thụ toàn ngành này trong quý I/2023 lại giảm 14,65% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 26,35% so với cùng thời điểm tháng trước, tăng 74,02% so với cùng thời điểm năm trước.
Hiện nay, chi phí đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước và trên thế giới giảm, tình hình lạm phát cao. Đây cũng là thách thức lớn đối với sản xuất công nghiệp Đắk Nông.
Gỡ vướng cho các dự án trọng điểm
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong quý I, Đắk Nông có 112 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 636 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng có 92 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 19 doanh nghiệp giải thể.
So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm 28,66%. Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới cũng hạn chế.
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhất là tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn, trọng điểm.
Trong đó, đối với Nhà máy Alumin Nhân cơ, trong quý I/2023 hoạt động sản xuất ổn định. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguyên liệu sản xuất của nhà máy. Trong đó chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nếu trong thời gian tới không giải quyết kịp thời, nhà máy sẽ tiếp tục phải giảm tải. Công ty Nhôm Đắk Nông cũng không có nguyên liệu quặng tích kho theo kế hoạch. Nguy cơ nhà máy có thể ngừng hoạt động sản xuất.
Để tháo gỡ vấn đề này, Tổ công tác 1644 đã ban hành Quy chế hoạt động của Tổ. Định kỳ hàng tháng, Tổ 1644 tổ chức họp báo cáo tiến độ thực hiện và đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Tương tự, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân đến nay đã đầu tư xây dựng xong phần xây dựng cơ bản các hạng mục của công trình.
Hiện chủ đầu tư đã thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục triển khai Dự án. Chủ đầu tư đã lựa chọn Công ty TNHH xây lắp luyện kim màu (Nhà thầu NFC) là Tổng thầu EPC cho gói thầu chế tạo, cung cấp và lắp đặt thiết bị cho dự án.
Hai bên đã thống nhất hợp đồng tổng thầu EPC. Dự kiến, trong năm 2024 sẽ chính thức đưa phân kỳ I, với công suất 150.000 tấn nhôm/năm đi vào vận hành.
Sở Công thương đang tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kiến nghị Chính phủ một số nội dung về: xem xét chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp cùng với Đắk Nông đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án; thực hiện chủ trương nhất quán về cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông…