Tiêu chuẩn xanh hóa đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Lực đẩy từ các FTA
Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 16 FTA, tiếp tục đàm phán ba FTA. Theo Bộ Công thương, việc tham gia các FTA đã tác động tích cực tới hoạt động thương mại và thu hút đầu tư của nước ta, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Điều này được thể hiện rõ qua từng năm.
Đối với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các thành viên hiệp định này đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so năm 2021 (xuất khẩu của Việt Nam đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so năm 2021). Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, có thị trường tăng tới 163% như Brunei.
Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so năm 2021 (xuất khẩu của Việt Nam đạt 46,8 tỷ USD, tăng 9,2% so năm 2021). Trong 11 tháng năm 2023, xuất siêu sang EU đạt hơn 26,2 tỷ USD.
Hay như, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% so năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so năm 2021; nhập khẩu từ Vương quốc Anh hơn 771 triệu USD. Trước những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Vương quốc Anh, 11 tháng năm 2023, thương mại song phương hai nước vẫn đạt hơn 5,8 tỷ USD. Tính đến nay, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) CPTPP của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng trưởng đáng kể so năm 2021. Điển hình như, thủy sản tăng 41,7%; giày dép tăng 51,7%; dệt may tăng 185,2%; cà-phê tăng 140,1%; rau quả tăng hơn 62%;… Kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O EVFTA (mẫu EUR.1) đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu sang EU, tăng 49,4% so năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu sang quốc gia này.
"Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và khó khăn của nhiều đối tác thương mại lớn của chúng ta khiến đơn hàng xuất khẩu giảm sút, nhưng tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam ước đạt khoảng 685-690 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu khoảng 355 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 330 tỷ USD. Đạt được kết quả khả quan này, phải kể đến sự đóng góp tích cực từ các thị trường mà Việt Nam có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết.
Áp lực lớn, nhưng cũng là cơ hội
Trong một chia sẻ gần đây, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK) Marko Walde cho hay: Tuy xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhưng tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của EU chỉ chiếm khoảng 2%. Về thu hút đầu tư, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính và cấp phép, nhưng đối với các công ty Đức và châu Âu, đây vẫn là rào cản gây chậm trễ cho việc triển khai. Việc cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong các quy trình này có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Tại báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA vừa qua, lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết: Xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP, Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng. Thí dụ, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP khoảng 5%, trong EVFTA 26% và UKVFTA chưa đến 24%. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang các thị trường còn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp chỉ mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan.
Theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Các FTA thế hệ mới vượt xa nội dung của những hiệp định thương mại thông thường, mức độ cam kết rộng-sâu, cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ và bao gồm cả những lĩnh vực được coi là "phi truyền thống". Do đó, để thực thi hiệu quả các FTA, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong FTA, đặc biệt là các văn bản liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như thuế, quy tắc xuất xứ; chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp các quy định và cam kết quốc tế,… Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn các Công ước quốc tế và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan, bảo đảm phù hợp các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Các chuyên gia nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của quốc gia được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Kinh nghiệm từ việc tham gia và thực thi cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, sẽ không thể tận dụng được cơ hội, đối phó thành công các thách thức khi thực thi các FTA, nếu chúng ta không mạnh dạn cải cách thể chế, chính sách.
Tiêu chuẩn xanh hóa đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |