Atiso là thức uống thảo dược nhiều công dụng. Có cây atiso đỏ và cây atiso xanh. Bài viết hôm nay mobiAgri sẽ hướng dẫn cách trồng cây atiso đỏ (hibiscus) một cách đầy đủ chi tiết.
Phân biệt cây atiso đỏ và cây atiso xanh
Mặc dù có cùng tên gọi là atiso nhưng cây atiso đỏ và cây atiso xanh hoàn toàn khác nhau về đặc điểm, hình dáng, công dụng. Do đó cách phân biệt hai giống cây này rất đơn giản.
Cây atiso đỏ còn được gọi với tên gọi quen thuộc là cây bụp giấm, cây lạc thần… Tên khoa học Hibiscus Sabdariffla Linn thuộc họ Cẩm quỳ – Malvaceace.
Cây Hibiscus có nguồn gốc từ Tây Phi được du nhập và Việt Nam từ năm 1970. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.
Cây cao từ 1,5-2m, hoa màu đỏ có vị chua dịu. Hoa atiso đỏ rất thơm ngon có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như trà, mứt, siro, nước uống dinh dưỡng, rượu… tốt cho sức khỏe.
Công dụng của cây atiso đỏ là điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, lợi tiểu, giảm căng thẳng thần kinh.
Đặc điểm cây atiso xanh
Cây atiso xanh có tên khoa học là Cynara scolymus L. thuộc họ Cúc – Asteraceae. Cây có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và ưa khí hậu ôn đới, á nhiệt đới.
Atiso xanh sinh trưởng tốt và ra hoa ở độ cao từ 1.200 m. Ở nước ta SaPa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) là 2 vùng trồng nhiều atiso xanh.
Cây atiso xanh nổi tiếng với khả năng giúp gan đào thải độc tố, phòng chống các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, ung thư gan và giảm lượng cholesterol xấu.
Cây atiso đỏ trồng ở đâu?
Cây atiso đỏ hay cây bụp giấm được trồng tại nhiều vùng trên cả nước. Tại miền Bắc các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên đều có địa phương trồng cây bụp giấm.
Ở miền Trung, miền Nam các tỉnh trồng atiso đỏ phải kể đến Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Lạt (Lâm Đồng)… có diện tích trồng atiso đỏ lớn.
Gần đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân cũng trồng atiso ở miền Tây và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây đang là mô hình kinh tế được bà con học hỏi, nhân rộng với những đổi mới, sáng tạo tích cực.
Thời vụ trồng atiso đỏ
Nhiều bạn đọc có băn khoăn, cây atiso có thể trồng ở nhiều vùng miền nhưng trồng atiso đỏ vào tháng mấy là thích hợp và trồng atiso bao lâu thì thu hoạch.
Cách trồng cây atiso đỏ là từ hạt giống. Dưới đây là thời vụ trồng atiso đỏ chi tiết cho các vùng trên cả nước.
- Miền Bắc: gieo hạt từ đầu tháng 5-6, thu hoạch tháng 10-12 dương lịch. Mỗi năm chỉ trồng 1 vụ.
- Miền Trung và miền Nam: có thể gieo 2 vụ/năm. Vụ sớm gieo trồng tháng 5-6. Vụ muộn gieo trồng tháng 7-8. Cây atiso đỏ cho thu hoạch tháng 9-12.
Cách trồng cây atiso đúng kỹ thuật
Khoảng cách, mật độ trồng: nếu trồng thưa bạn nên trồng với mật độ 80-90 cm/cây; nếu trồng dày có thể trồng với khoảng cách 65-70 cm/cây.
Chuẩn bị đất trồng hoa bụp giấm
* Loại đất trồng thích hợp
Cây bụp giấm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát pha đến đất thịt nhẹ. Đất không bị ngập úng. pH thích hợp từ 6-6,5.
Các vùng đất cao, đồi gò khô cằn, đất xấu rất thích hợp để trồng atiso đỏ lấy lá làm dược liệu.
Có thể trồng cây atiso xen trong các vườn chè, vườn cây ăn quả.
Cây nên trồng luân canh, gối vụ với các cây họ đậu,hoa, rau màu.
* Làm đất trồng atiso đỏ
- Làm đất 1 tháng trước khi gieo hạt. Đất trồng được bón lót với phân chuồng ủ hoai, vôi bột và super Lân.
- Nếu trồng thuần atiso đỏ: Bà con tiến hành dọn dẹp sạch vườn trồng. Cày theo rạch/luống để đất tơi nhỏ tạo điều kiện thuận lợi khi gieo hạt.
- Nếu trồng xen atiso đỏ: Cày cuốc xen theo các hàng chè, hàng cây ăn quả với khoảng cách 1mx1m.
Chuẩn bị hạt giống cây atiso đỏ
- Chọn hạt già, to, sẫm màu.
- Mua hạt giống từ nhà cung cấp giống uy tín, có địa chỉ rõ ràng.
- Trước khi gieo hạt ra đất, cần ngâm hạt giống trong nước vài giờ để cây nảy mầm tốt.
Cách trồng cây atiso đỏ từ hạt giống và chăm sóc cây atiso
- Bước 1: Gieo thẳng, mỗi hốc từ 2-4 hạt giống, mỗi hạt cách nhau 3cm.
- Bước 2: Vùi đất và tưới nước cho mỗi hốc.
- Bước 3: Dùng rơm rạ tủ gốc cho cây con, tưới nước 1-2 lần/ngày.
- Bước 4: 1 tuần sau gieo, cây con mọc cao 20 cm, kiểm tra nếu cây xấu, không phát triển phải loại bỏ, giữ lại cây tốt. Bỏ lớp che phủ tủ gốc cho cây.
- Bước 5: Các cây đã hồi xanh, bén rễ cần bón lót lần 2 bằng NPK 16-16-8, DAP. Lưu ý, thời kỳ cây con không bón quá nhiều Đạm.
- Bước 6: Phòng trừ sâu bệnh tại vườn ươm: Cây con atiso có nguy cơ bị châu chấu, sâu đo xanh tấn công phần lá. Bọ rùa tấn công lá, quả non. Biện pháp xử lý tốt nhất là bắt thủ công bằng tay khi số lượng sâu bệnh còn ít. Hoặc sử dụng thuốc phòng trừ ngay từ sớm.
Cách trồng cây và chăm sóc cây atiso đỏ rất đơn giản. Nếu bạn có nhà vườn trồng cây ăn quả nên kết hợp trồng xen cây atiso đỏ để đỡ công chăm sóc, cho thu hoạch kép gúp tăng thu nhập. Nhiều bộ phân trên cây atiso đỏ đều là dược liệu quý có công năng hỗ trợ sức khỏe, do đó cây atiso đỏ rất nên trồng trong vườn nhà.